Bệnh nhân nghèo với gánh nặng viện phí

Chúng ta có thể bắt gặp tại bất kỳ bệnh viện nào trên cả nước, hình ảnh những bệnh nhân nghèo vừa chống chọi với cơn đau thể xác vừa chịu cảnh vật vã của gánh nặng viện phí. Bên cạnh những nỗi lo thường trực đó, những ngày qua thông tin được nhiều bệnh nhân và thân nhân người bệnh đưa ra bàn tán “nóng” nhất là tăng viện phí.

Bệnh nhân nghèo với gánh nặng viện phí, Tin tức trong ngày, tang vien phi, benh nhan, benh vien, vien phi, bao, tin tuc, tin hot, tin hay

Bệnh nhân ung thư và người thân tá túc tại hành lang Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Đồng bệnh tương lân

Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Đà Nẵng) hiện có khoảng 160 bệnh nhân điều trị với 20 máy chạy thận nhân tạo, trong đó chủ yếu là bệnh nhân nghèo các tỉnh miền Trung.

Bà Đào Thị Cam (47 tuổi, trú Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đứng ngồi không yên từ khi nghe tin tăng viện phí. Con bà là Huỳnh Văn Tốt (20 tuổi) bị suy thận mãn tính đã nằm ở Bệnh viện Đà Nẵng suốt bốn năm qua. Dù con thuộc diện được hưởng bảo hiểm xã hội nhưng chi phí kéo dài nhiều năm khiến cả gia đình lao đao: “Chừ nghe tăng viện phí mà lo lắm, những bệnh nhân nghèo như tụi tui dù chỉ tăng một đồng cũng thấy khổ rồi”.

Bà Cam cho biết thêm cả gia đình bà chỉ có 2 sào ruộng để sống qua ngày. Nói rồi bà lại quay sang ôm con trai đã 20 tuổi nhưng chỉ gầy đét, xanh xao như học sinh tiểu học mà nước mắt lưng tròng.

Bà Nguyễn Thị Lựu (63 tuổi, trú Bình Sơn, Quảng Ngãi) tình cảnh còn éo le hơn. Khi nghe nhắc đến tăng viện phí bà đã rớm nước mắt. Bà không chồng con, sống một mình và bốn năm qua bà đã phải ở đây để chữa trị căn bệnh suy thận mãn tính. “Tui có nghe tiền chạy thận sẽ tăng 30-100%. Dù có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đi chăng nữa nhưng tui biết xoay xở đâu ra tiền để đồng chi trả” - bà Lựu lo lắng nói.

Chạy thận “kỷ niệm”

Bác sĩ Nguyễn Cao Luận, Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong 500 bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường xuyên tại bệnh viện có 300 bệnh nhân có thẻ bảo hiểm hộ nghèo, ở diện đồng chi trả 5%. Nhưng 5% với nhiều người vẫn là gánh nặng cực lớn. Bệnh viện Bạch Mai hiện đang dành chế độ hỗ trợ thêm một số bệnh nhân nghèo vì thực tế có nhiều bệnh nhân quá nghèo, chỉ đủ tiền chạy thận “kỷ niệm” một vài lần rồi vợ chồng lại dắt díu nhau về quê, uống thuốc nam, không lâu sau đó tử vong.

Bác sĩ Luận cho biết thêm trong hệ thống điều trị cả nước, hiện có 7.000-8.000 bệnh nhân lọc máu chu kỳ thường xuyên, chiếm khoảng 10% số bệnh nhân thực tế cần điều trị.

Và ngay với công nhân viên chức mắc các bệnh mãn tính như suy thận thì mức đồng chi trả 20% cũng là quá sức với nhiều người.

Những tâm tư lo lắng của bà Cam, bà Lựu không chỉ là nỗi lo riêng của những bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng. Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, chúng tôi cũng thấy được những nỗi lo giống nhau của những người đang mang căn bệnh hiểm nghèo.

Anh Dương Văn Tiền (ở khu vực Bình Dương A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) gần như lâm vào đường cùng khi anh bị bệnh suy thận mãn. Mọi sinh hoạt trong gia đình và tiền thuốc điều trị cho anh do một mình vợ anh (buôn bán rau cải) gánh vác. Mỗi tuần hai lần, anh Tiền phải đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ lọc thận, mặc dù có mua BHYT tự nguyện nhưng mỗi lần đi lọc thận, vợ anh phải đóng cho bệnh viện 450.000 đồng.

Anh Tiền nói: “Bệnh ngày càng nặng, bác sĩ kêu phải tăng thêm số lần lọc trong tuần nhưng gia đình đã hết khả năng, cứ duy trì như vầy sống được ngày nào hay ngày đó”.

Nợ cũ chưa xong đã đong nợ mới

Khi nói chuyện với chúng tôi về tăng viện phí, tại phòng 202 khoa Nội 4 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bà B.T.H. - 40 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM, mắc bệnh ung thư vú - đã khóc: “Ai chẳng biết có bệnh thì phải chữa nhưng... chưa nhập viện mà đã nợ tiền chưa trả được, giờ vào điều trị nữa không biết sẽ ra sao? Mới vào bệnh viện đã phải đóng 500.000 đồng tạm ứng, dù có thẻ BHYT chỉ phải đồng chi trả 20% nhưng làm các xét nghiệm, chụp MRI, chụp CT scanner... tôi phải đóng gần 4 triệu đồng. Bác sĩ nói trường hợp của tôi phải vô hóa chất, mỗi lần đóng tiền vô hóa chất hết 5 triệu đồng, bác sĩ chưa nói sẽ phải vô bao nhiêu lần nữa...”.

Bà N.T.L., 46 tuổi, ngụ Gò Công Đông, Tiền Giang, cũng mắc bệnh ung thư vú, bác sĩ nói số tiền điều trị trước mắt hơn 10 triệu đồng. Không có tiền, vợ chồng bà phải chấp nhận vay nặng lãi 10 triệu đồng, mỗi tháng phải trả 1 triệu. Vay được tiền mới đến bệnh viện điều trị.

Đã nghèo mà bà L. không có BHYT nên số tiền phải đóng cao hơn nhiều so với những bệnh nhân có BHYT. Biết điều trị bệnh sẽ mất nhiều tiền nên vợ chồng bà xác định trước là cố được đến đâu thì cố, chứ viện phí tăng, không có tiền nộp thì đành chấp nhận về quê, không điều trị nữa.

Tại khoa Lọc máu - Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM), nhiều bệnh nhân chạy thận nhân tạo kêu trời khi tiếp chuyện với chúng tôi. Họ cho biết mới đây khoa lọc máu thông báo tăng 100.000 đồng thu chênh lệch chi phí vật tư tiêu hao cho tất cả đối tượng bệnh nhân BHYT.

Ông Võ Tấn Nhiên (51 tuổi, ngụ Q.2) cho biết chỉ mới ba tháng trước đây, biến chứng của suy thận đã làm các mạch máu tắc nghẽn, khiến ông phải cưa ngang đùi chân trái. Mỗi tháng đi chạy thận với chế độ BHYT 80%, ông phải trả hơn 4 triệu đồng viện phí. Vợ ông cho biết nếu viện phí còn tăng nữa thì không biết bà lấy tiền đâu ra để giúp chồng sống sót.

Bệnh nhân nghèo với gánh nặng viện phí, Tin tức trong ngày, tang vien phi, benh nhan, benh vien, vien phi, bao, tin tuc, tin hot, tin hay

Gần năm năm nay, anh Lê Trung Tin và bố mẹ (quê ở Đức Linh, Bình Thuận) sinh sống tại hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM để tiết kiệm chi phí mong có đủ 3 triệu đồng/tháng đóng tiền chạy thận (nếu không có bảo hiểm hỗ trợ, chi phí cho một người chạy thận khoảng 30 triệu đồng)

“Nghèo còn gặp cái eo”

Ở cuối đường Giải Phóng, đoạn đối diện Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội có “xóm chạy thận”. Căn bệnh suy thận khiến khuôn mặt bệnh nhân nào ở xóm này cũng sạm thâm lại, cộng thêm những phấp phỏng của đời sống thời bão giá khiến ai nấy càng hốc hác, tiều tụy hơn.

Trong xóm có gia đình anh Nguyễn Văn Thu (29 tuổi) và người anh ruột Nguyễn Văn Chinh đều đang phải lọc máu một tuần ba lần tại Bệnh viện Bạch Mai. Anh Thu chạy thận được hai năm, anh Chinh đã có “thâm niên” mười năm suy thận độ 4. Mọi tài sản trong nhà họ đã bị vắt kiệt. Theo anh Thu, với mức đóng bảo hiểm viện phí cho người nghèo như anh, hiện anh đồng chi trả hơn 400.000 đồng/tháng. Nếu đề nghị tăng viện phí của Bộ Y tế được chấp thuận, mức này sẽ tăng gấp đôi.

“Bệnh nhân suy thận còn phải dùng nhiều loại thuốc bổ trợ như: sắt, tăng hồng cầu..., tốn thêm 1,5 triệu đồng/người/tháng cho riêng tiền thuốc. Giá tăng không chỉ nhà tôi mà cả họ cũng không xoay đâu thêm được tiền cho anh em tôi chữa trị” - anh Thu nói.

Theo dự liệu của Bộ Y tế, mức chạy thận nhân tạo một lần sẽ tăng từ 150.000-300.000 đồng hiện nay lên 300.000-400.000 đồng. Một số bệnh nhân chạy thận lâu năm, ngụ ở xóm trọ này hàng chục năm đã bàn nhau viết đơn kiến nghị xin Nhà nước không thay đổi mức đóng vốn đã làm họ cạn kiệt như hiện nay.

Còn với anh Hoàng Văn Tuấn (37 tuổi, Mỹ Lộc, Nam Định), tám năm chạy thận là tám năm đằng đẵng tự tìm cách nuôi mình chữa bệnh. Bắt đầu chạy thận từ năm 2003 cũng là lúc anh sắm ngay một gánh nước chè chén bán trong viện.

Bệnh viện cấm bán, anh đi đánh giày. Nhưng rồi sức khỏe yếu dần, không lang thang đi bộ được nhiều, anh tìm cách chạy xe ôm. Để đảm bảo việc chạy xe ôm trong khi đang điều trị chạy thận, anh Tuấn phải đăng ký lọc máu vào ca cuối cùng trong ngày, từ 19g-23g.

“Bần cùng mới phải chọn giờ này để điều trị. Người chạy thận ai cũng nghèo, nhiều người phải làm thuê kiếm sống, nhặt ve chai, chạy xe, bán hàng nước... Những ngày chạy thận, người mệt lả nên phần lớn chỉ đi làm ngày xen kẽ. Còn tôi ngày nào cũng đi làm, cố kiếm đủ tiền trả bệnh viện” - anh Tuấn nói.

Cần phương án hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Theo tính toán của Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế), hiện chi tiêu công (ngân sách nhà nước và BHYT) chỉ chiếm 33% chi phí điều trị, 67% còn lại là tiền của người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng hiện nay quy định mức thu thấp nên phần đóng góp của bảo hiểm thấp. Nếu thực hiện đúng được lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2014, đại bộ phận người dân lúc đó có BHYT thì khi có quy định mức đóng mới, phần chi trả của bảo hiểm sẽ tăng và tiền của người dân trong gói viện phí sẽ giảm đi. Tuy nhiên, viện phí đang được dự kiến tăng từ năm 2012 nên rất cần có ngay phương án hỗ trợ bệnh nhân nghèo, cận nghèo chưa có BHYT (riêng người cận nghèo chưa có thẻ đã khoảng 10 triệu người).


Giày Đại Phát solution
Số người online:
15731
Số người truy cập:
7736202