Thầy Trần Xuân Việt – giáo viên Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (huyện Di Linh, Lâm Đồng) xúc động kể lại một chuyện thật mà như đùa xảy ra 3 năm trước: Hôm đó tôi đang dạy thêm cho học sinh (HS) lớp 10 thì một phụ nữ gần 50 tuổi dẫn bé gái nhỏ xíu sinh sống tại thôn Hiệp Thành 1, xã Tam Bố, Di Linh đến xin vào học.
Người mẹ nói cháu tên là Phạm Thanh Ngọc, chưa tròn 8 tuổi nhưng đã học hết Toán lớp 9, nay xin học tiếp chương trình lớp 10. Tôi đã từ chối nhưng người mẹ năn nỉ mãi và ánh mắt cháu bé quá tha thiết nên tôi thử trắc nghiệm kiến thức của bé. Thật bất ngờ, cháu giải đúng hầu hết các bài mà tôi chọn trong sách giáo khoa Toán lớp 9 và làm được 70% bài dành cho HS khá giỏi cuối cấp II.
Tôi đã quyết định thu nhận cô học trò bé con này để giúp cháu phát triển năng khiếu học Toán đặc biệt của mình. Hiện cháu mới 11 tuổi nhưng tôi cho vào cùng học với HS khá giỏi của lớp 12 Ban A. Cháu tiếp thu bài khá nhanh, tương đương HS xếp loại khá.
Cháu Ngọc và thầy Việt - người thầy đầu tiên
Một tháng nay, gia đình Ngọc mời thầy Nguyễn Hoài Nam – giáo viên Trường THPT Nguyễn Viết Xuân về dạy Vật lý lớp 10 cho con. Theo thầy Nam, mức độ tiếp thu bài của Ngọc vào loại khá. Em hiểu bài nhanh và rất ham học hỏi; điều gì chưa hiểu thì hỏi đến nơi đến chốn.
Anh Phạm Xuân Thành (52 tuổi, bố của Ngọc) hồi tưởng: Khi mới hơn 2 tuổi, Ngọc đã thắc mắc về những hàng tít lớn trên báo và đòi bố dạy đọc chữ. Chẳng bao lâu sau cháu đã biết viết và làm quen với các phép tính. Mới được 5 tuổi, cháu đã tự tìm hiểu và nhờ bố mẹ hướng dẫn giải hết các bài toán trong sách giáo khoa cấp I.
Gia đình có đưa Ngọc đến trường nhưng cháu kêu chán, không chịu học vì đã biết hết các phép toán ở bậc học này. Mới hơn 7 tuổi, cháu đã học hết chương trình Toán cấp II và có một số kiến thức về Vật lý, Hóa học, Lịch sử… Vợ chồng anh quyết định tìm thầy cho con học Toán, Vật lý cấp III.
Trả lời những câu hỏi về sở thích, Ngọc nói rất say mê đọc sách và xem Đường lên đỉnh Olympia. Bố mẹ em cho biết ngay từ khi còn nhỏ Ngọc đã không thích đồ chơi như bao trẻ em khác mà chỉ thích mua sách về đọc. Mỗi khi có dịp cùng bố ra phố thị là em lại đòi vào các hiệu sách để tìm sách mới, đặc biệt là sách tham khảo về Toán.
Ngọc thổ lộ có thể trả lời hơn 40% câu hỏi của chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Bởi thế, đầu tháng 8 vừa qua, bố đã làm đơn gởi Sở GD – ĐT Lâm Đồng xin cho cháu vào Trường THPT Nguyễn Viết Xuân để có điều kiện đăng ký dự thi Đường lên đỉnh Olympia. Thế nhưng mới đây bố nói Sở GD – ĐT trả lời không thể cho cháu vào học tại trường này và do vậy cơ hội dự thi sẽ không còn nữa. Cháu tiếc lắm!
Ngày 18-8, trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Bảy – Phó Giám đốc Sở GD – ĐT Lâm Đồng nói sở dĩ không thể cho phép tiếp nhận Ngọc vào trường THPT Nguyễn Viết Xuân vì như thế trái với Điều lệ trường Trung học hiện hành.
Theo Điều lệ, HS phải học qua bậc tiểu học và THCS. Đối với HS có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Trong khi đó, độ tuổi của Ngọc chỉ có thể học ở bậc tiểu học hoặc lớp 6 THCS (nếu đã được xét tốt nghiệp tiểu học). Thực tế cháu chưa từng học ở trường nào và cũng chỉ tự học hoặc học thêm bên ngoài một vài môn thôi.
Là con độc nhất trong gia đình, sinh sống ở khu vực khá vắng vẻ và không được học hành, vui chơi với bạn bè cùng trang lứa nên Ngọc rất nhút nhát, thụ động, ít nói, nét mặt buồn buồn. Thế nhưng khi nhìn thấy cuốn sách mới và tiếp xúc với những con toán thì gương mặt cô bé rạng rỡ hẳn lên.
Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Lâm Đồng cho biết thời gian tới sẽ cử đoàn cán bộ xuống sát hạch, thẩm định khả năng, trình độ của Ngọc. Nếu cháu có khả năng đặc biệt sẽ báo cáo đề xuất với Bộ GD – ĐT hướng giải quyết.
Lãnh đạo Sở lấy làm tiếc vì không được thông tin sớm về trường hợp này để kịp thời tiến hành kiểm tra và tạo điều kiện giúp đỡ cháu phát triển năng tài năng từ khi còn ấu thơ.
Bây giờ chắc chắn không thể cho cháu vào học lớp 12 như nguyện vọng nhưng sau khi thẩm định nếu phát hiện cháu có năng lực đặc biệt vượt trội ở lĩnh vực nào đó thì có thể cho cháu tham dự những lớp đào tạo chuyên biệt.