Báo giới Việt Nam lên tiếng về sự kiện bắt 2 nhà báo

Nhà báo Đức Hiển (báo Pháp luật TP HCM): Việc khởi tố hai nhà báo này không được dư luận đồng tình.

Tôi từng có thời gian 3 năm làm phóng viên nội chính tại Hà Nội, và hiểu hai đồng nghiệp này. Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) là nhà báo nhiệt tình và trong sáng. Vì vậy khi nghe tin Hải và anh Việt Chiến (báo Thanh Niên) bị bắt, ai cũng ngỡ ngàng. Càng không thể tin được khi họ bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ - tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng. Nhóm tội mà ngòi bút của họ chưa bao giờ chùn bước đấu tranh; nhóm tội mà họ sẵn sàng đổ mồ hôi và thậm chí nếu cần, cả máu của mình để đấu tranh, góp phần làm trong sạch xã hội.

Tội này (điều 281 Bộ Luật hình sự) có cấu thành bắt buộc về mặt chủ quan là "vụ lợi hoặc động cơ cá nhân", tôi nghĩ, nếu có động cơ thì việc viết bài của họ chỉ vì động cơ duy nhất là vì lẽ công bằng. Chưa nói đúng sai về pháp lý, nếu bạn theo dõi blog và báo chí, sẽ thấy việc khởi tố hai nhà báo này không được dư luận đồng tình. Một quyết định vừa ban hành đã bị đại đa số phản đối, người dân hoang mang, đó thực sự là điều đáng lo lắng.

Trong khoa học pháp lý, có một khái niệm là "niềm tin nội tâm". Niềm tin của tôi mách bảo rằng họ là những nhà báo tốt và thật khó thuyết phục mọi người về việc bắt giam họ.

Nhà báo Đoàn Hiệp (báo Sài Gòn Giải Phóng): Hãy để những nhà báo ít nhiều còn có niềm tin đấu tranh.

Việc hai phóng viên bị bắt đều được các báo xem là sự kiện nóng bỏng nhất trong ngày. Họ bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng cụ thể là lợi dụng thế nào thì chưa ai biết cả. Nếu theo báo Thanh Niên, sai phạm của anh Nguyễn Việt Chiến ở chỗ đưa tin Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng, thì không đáng phải xử lý hình sự. Hẳn bên trong đó phải còn điều gì khuất tất.

Xét ở góc độ nghề nghiệp, anh em báo chí thường bức xúc trong việc chống tham nhũng và muốn đem thông tin đến bạn đọc nên có thể xảy ra sơ sót nhưng như thế có đáng để bắt giam hay không?

Qua sự việc này, đề nghị Hội nhà báo VN có ý kiến chính thức để những nhà báo ít nhiều còn có niềm tin đấu tranh trong con đường sắp tới. Đối với lực lượng công an, cơ quan phòng chống tham nhũng... cần có người phát ngôn chính thức để những người làm báo có nguồn tin chính thống, thông tin đầy đủ, chính xác và không vi phạm pháp luật.

Chủ tịch Hội nhà báo TP HCM Nguyễn Hằng Nga. Ảnh:L.H.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga (Chủ tịch Hội nhà báo TP HCM): Nhà báo cũng phải bình đẳng trước pháp luật.

Với tư cách cá nhân tôi rất buồn và lo lắng trước sự việc hai nhà báo viết bài về PMU18 là Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến bị bắt giam. Nhưng thực ra, chúng tôi cũng chỉ biết về vụ việc qua báo chí, chưa có thông tin cụ thể.

Trong quá trình theo dõi diễn tiến vụ án PMU 18, không thể phủ nhận một số đồng nghiệp của chúng ta có sai sót trong quá trình tác nghiệp, đưa tin thiếu chính xác, và một số báo đã phải có thông tin đính chính. Riêng trong trường hợp nhà báo Nguyễn Việt Chiến, và Nguyễn Văn Hải, tôi cho rằng sai sót (nếu có) của họ trong quá trình tác nghiệp vụ án này cũng vì mục đích chung, muốn cung cấp nhanh những thông tin mà xã hội, bạn đọc đang quan tâm trong thời điểm đó, nên phần nào nóng vội.

Tuy nhiên, nhà báo cũng phải bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong việc được bảo vệ và việc chịu trách nhiệm. Vụ việc còn đang trong quá trình điều tra, mức độ thế nào, đúng sai đến đâu, hãy để pháp luật xuy xét. Chúng ta nên tin tưởng vào sự công tâm của pháp luật. Mong các nhà báo không vì sự kiện này mà lùi bước trong công cuộc chống tham nhũng, chống cái xấu.

Về trách nhiệm của Hội Nhà báo thành phố, chúng tôi sẽ tiếp xúc, lắng nghe tất cả các luồng ý kiến, thông tin, để từ đó có quyết định trong việc đưa ra kiến nghị nhằm bảo vệ quyền hành nghề chính đáng của nhà báo.

Nhà báo Huy Minh. Ảnh: H.M
Nhà báo Huy Minh. Ảnh: H.M
Nhà báo Huy Minh (Thông tấn xã Việt Nam): Tại sao trong vụ án này, lại có quá nhiều người buồn đến vậy?

Khi ông Nguyễn Việt Tiến còn bị giam giữ, tôi đã đọc một bài báo đăng tải hình ảnh ông Tiến cầm guitare và hát. Hình ảnh đó làm tôi chững lại và suy nghĩ, ông Tiến, trước hết cũng là một con người, với biết bao vui buồn của ông ấy.

Hôm qua, khi nghe tin anh Nguyễn Việt Chiến và anh Nguyễn Văn Hải bị bắt, tôi đã đọc lại blog cá nhân của anh Hải và thơ của anh Việt Chiến. Họ viết rất “con người”, với tất cả những khát vọng nghề cầm bút của mình.

Anh Chiến khi in xong tập thơ “Những con ngựa đêm” có tặng tôi một tập, bìa ngoài họa sĩ Thành Chương vẽ một con trâu có sừng. Tôi hỏi anh Chiến, tại sao tên tập thơ là “Những con ngựa đêm” mà bìa thơ lại... vẽ con trâu? Anh Chiến cười, “ban ngày là trâu, ban đêm mới được là ngựa”. Anh Chiến viết: “Chúng ta không thể nào hiểu được ngôn ngữ của loài kiến/ Con người bất lực trong cách giải thích/ Bởi chúng ta chẳng có gì cả/ Ngoài cát và mưa, và cỏ, những nỗi buồn…”.

Trưa nay đọc VnExpress, tôi thấy ông Đinh Thế Huynh (Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo) khi được hỏi ông nghĩ gì khi các đồng nghiệp bị bắt vì liên quan những bài viết về PMU18 đã trả lời: Tôi rất buồn về điều đó”. Đêm qua, tôi đã đọc hàng trăm blog để xem suy nghĩ của mọi người, kể cả blog của những người vợ có chồng làm ở PMU 18, họ cũng rất buồn. Họ hiểu vợ những nhà báo vừa bị bắt đang ở tâm trạng như thế nào.

Tôi chỉ có một câu hỏi thế này thôi: “Tại sao, trong vụ án này, lại có quá nhiều, quá nhiều người buồn đến vậy?”. Tôi cũng đang như anh Việt Chiến, “bất lực trong cách giải thích” và cũng chẳng có gì cả, “ngoài những nỗi buồn”.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11734
Số người truy cập:
9259130