Bánh trứng kiến - món ăn cuối xuân của người Tày

 Du khách đến thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình tháng này sẽ được trải nghiệm làm bánh trứng kiến, món truyền thống của người Tày. Với người từ địa phương khác, lần đầu nghe tên bánh trứng kiến có phần e ngại.

Chị Trịnh Thị Chính, người làm bánh lâu năm ở thôn Nặm Đíp, cho biết bánh trứng kiến là món ăn truyền thống của người Tày từ bao đời nay. Trong dịp Tết Thanh minh, bánh phải có trong mâm cỗ để cúng tổ tiên. Mỗi năm, người Tày chỉ làm bánh trứng kiến vào tháng tháng 3 và tháng 4 Âm lịch vì nguyên liệu chính là trứng kiến đen chỉ có vào mùa này.

Người Tày dùng lá vả để gói bánh trứng kiến thành các gói vuông, không buộc dây. Ảnh: Huỳnh Nhi

Trứng kiến đen rừng nhỏ bằng hạt gạo, màu trắng, tròn ú, có nhiều ở vùng đồi đất thấp, chỗ nhiều măng nứa. Lấy trứng kiến đen phải chọn ngày nắng, khô ráo để trứng không bị dính bùn đất, kiến không bị bết vào trứng.

"Tôi và những người làm bánh đều tự vào rừng lấy trứng kiến, thao tác phải thật nhanh để không bị kiến bâu và nhựa kiến dính lên người", chị Chính chia sẻ, thông thường thu hoạch mỗi tổ kiến mất 30 phút, người lấy trứng kiến vào rừng từ 9h30 đến tầm 15h mới về nhà.

Sau đó, họ tiếp tục các công đoạn như xay bột gạo nếp làm vỏ bánh, rửa sạch trứng kiến, trộn gia vị, thịt lợn băm nhuyễn, hành khô... làm nhân. Nếu không dùng hết số trứng kiến đã lấy, người làm bánh có thể trữ lạnh và dùng được trong 3 tháng.

Để gói bánh trứng kiến cần lấy bột nếp nương đã nhào mềm cán mỏng, cho nhân vào giữa và gói lại thành từng viên tròn. Bánh sau đó cho vào lớp lá vả gói lại vuông vức rồi đem đi hấp chín trong 60 phút. Gói bánh trứng kiến cần 2-3 lớp lá. Lớp trong cùng là lá non mềm, ăn có vị bùi, không chát, lớp ngoài là lá già hơn để cố định hình dạng bánh khi hấp, không bị vỡ.

Cho bánh trứng kiến vào nồi hấp trong 60 phút. Ảnh: Huỳnh Nhi

Bánh khi chín có màu ngả vàng, chỉ cần lột lớp lá già bên ngoài, giữ lớp lá non bên trong, cắn một miếng có đủ lá vả, vỏ và nhân bánh. Bánh ngon nhất khi ăn nóng, mùi thơm của lá vả và nếp nương nghi ngút, vị bùi của lá, mềm dẻo của nếp nương, béo ngọt của trứng kiến và gia vị đậm đà hòa quyện vào nhau, không có mùi hăng của kiến như nhiều người tưởng tượng. Tuy nhiên, thực khách bị dị ứng với các món ăn có côn trùng không nên ăn bánh trứng kiến.

Nếu có dịp đến thôn Nặm Đíp, bạn nên thử làm bánh trứng kiến của người Tày và chờ hấp bánh chín, thưởng thức tại chỗ. Ngoài ra, nơi này có nhiều cảnh đẹp, bạn có thể đạp xe băng qua những cánh đồng thơm mùi lúa đơm bông, chiêm ngưỡng những dãy núi cao ngút thấp thoáng mây bay, lội suối Ngòi Trang, làm bánh dày, ăn cơm mẹt, ngâm chân lá thuốc...

Bánh trứng kiến sau khi hấp chín rất thơm mềm. Ảnh: Huỳnh Nhi

Huỳnh Nhi


Giày Đại Phát solution
Số người online:
10675
Số người truy cập:
9278259