Bán khống giấy kiểm dịch

Muốn có giấy đăng ký kiểm dịch, giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, trước hết người chăn nuôi phải có giấy chứng nhận tiêm phòng văcxin lở mồm long móng (FMD) đối với heo, trâu, bò, dê... Muốn có đủ giấy chứng nhận này, người nuôi phải đưa heo tới trạm thú y địa phương hoặc mời cán bộ của trạm thú y cấp huyện tới kiểm tra và kẹp niêm chì vào xe vận chuyển đưa đi giết mổ.

Quy trình chặt chẽ như vậy, tuy nhiên nếu “biết chỗ chi”, dù heo khỏe hay bệnh, sống hay chết vẫn được cán bộ thú y cấp các loại giấy, đưa niêm chì cho lái heo vận chuyển khắp nơi.

Chứng nhận tiêm phòng: 5.000 đồng/con


“Nếu vận chuyển heo trong huyện chỉ cần giấy chứng nhận tiêm phòng văcxin FMD giá 5.000 đồng/con, số lượng bao nhiêu cũng có” - ông Lượng, một lái heo tại xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) khẳng định. Trưa 5-11, ông Lượng cho biết có một mối hàng đang vận chuyển 100 con heo lậu, cần gấp giấy chứng nhận tiêm phòng văcxin FMD, nhờ ông Lượng lo giấy giúp.

"Các ông đồng ý thì cứ báo số xe, tên người vận chuyển và số lượng heo, tụi tôi làm giấy cho, không cần kiểm tra heo".

Ông Nguyễn Văn Sang (trưởng trạm thú y Cẩm Mỹ)

Sau khi gọi điện, ông Lượng vội vã chạy tới nhà ông Nguyễn Công Thăng, cán bộ thú y xã Xuân Quế, để thương lượng mua giấy. Ông Thăng hỏi: “5.000 đồng một con, có loại mỗi giấy một con, có loại một giấy năm con, anh cần bao nhiêu, loại nào?”. Ông Lượng nói lấy 100 con, loại giấy nào tùy ông Thăng quyết. Ông Thăng lấy giấy ra đếm, đưa cho ông Lượng và cầm 500.000 đồng, không cần hỏi thêm câu nào.

Trả lời câu hỏi vì sao có giấy chứng nhận tiêm phòng để bán, ông Thăng nói: “Giấy chứng nhận đi kèm với văcxin, mỗi giấy là một liều văcxin hoặc một lô văcxin để giao cho chủ heo khi tiêm. Tuy nhiên, nhiều người dân không chú ý, không hỏi giấy nên tụi tôi giữ, để dành bán kiếm thêm tiền”. “Bán giấy vậy không sợ người mua giấy dùng để vận chuyển heo bệnh hay sao?”, ông Thăng nói: “Giấy này không quan trọng, không liên quan tới heo bệnh hay khỏe, ai vận chuyển người đó chịu”.

Trưởng trạm thú y bán giấy khống


Theo lời ông Lượng, muốn vận chuyển heo ra ngoài huyện và ngoài tỉnh phải có giấy đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật do trạm thú y huyện Cẩm Mỹ cấp. Quy trình cấp giấy rất rườm rà, nếu làm theo sẽ tốn thời gian, công sức và rất khó vì không hộ dân nào có giấy chứng nhận tiêm phòng FMD cho heo. Cho nên các lái heo đều có đường dây làm giấy tờ riêng, chỉ cần gọi điện thoại, chung chi là xong.

Trong vai người tìm mua heo vận chuyển về TP.HCM tiêu thụ, chúng tôi hỏi ông Lượng: “Tụi tôi mua heo nhưng cần giấy kiểm dịch, ở đây lại không có thì không bắt được”. Ông Lượng cười: “Ông cần giấy gì, bao nhiêu tôi cũng có. Tôi làm giấy khống cho ông luôn, ông cứ đọc biển số xe, số lượng heo là tôi có giấy kiểm dịch, niêm chì cho ông, không cần phải mang heo tới trạm”. Nói là làm, ông Lượng điện thoại cho một lái heo tên Thanh, ít phút sau ông Thanh xuất hiện, đưa cả giấy chứng nhận tiêm phòng FMD, giấy đăng ký kiểm dịch động vật cho 30 con heo, một niêm chì với giá 550.000 đồng. Giấy do trạm thú y Cẩm Mỹ cấp, trong đó ghi rõ giờ kiểm tra là 14g30 ngày 21-11, người ký là Nguyễn Văn Sang.

Bán khống giấy kiểm dịch, Tin tức trong ngày, kiem dich dong vat, giay kiem dich, thit lon, dong vat lau, bao, tin tuc, tin hot, tin hay

Lái heo Thanh - người sẵn sàng làm các loại giấy tờ kiểm dịch nếu được giá

Chiều cùng ngày, ông Lượng và ông Thanh dẫn chúng tôi tới nhà riêng của ông Nguyễn Văn Sang, trưởng trạm thú y Cẩm Mỹ, bàn chuyện làm ăn. Mặc nguyên bộ đồng phục, có mang bảng tên trên ngực, ông Sang cho biết: “Giấy đó là do tôi làm. Nếu các ông muốn làm lâu dài, số lượng 5.000-6.000 con thì giá chắc là 10.000 đồng/con, còn tiền “cò” cho ông Thanh các ông chịu. Các ông đồng ý thì cứ báo số xe, tên người vận chuyển và số lượng heo, tụi tôi làm giấy cho, không cần kiểm tra heo”. Chúng tôi thắc mắc: “Số lượng nhiều thế, giấy văcxin đâu có đủ để các anh cấp?”, ông Sang nói: “Ông cần bao nhiêu cũng có, cứ yên tâm”.

Ăn vạ, vứt thịt xuống đường

Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP.HCM), cho biết việc kiểm tra và xử lý các đối tượng vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật từ các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và từ phía Bắc vào TP.HCM qua quốc lộ 1A được tăng cường rất mạnh. Hằng ngày các tổ kiểm tra chia ra nhiều ca trực, làm suốt ngày đêm và phối hợp với cảnh sát giao thông kiểm tra các xe khả nghi, nhưng dù cố gắng cũng chỉ như muối bỏ bể. Các đối tượng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lậu ngày càng tinh vi: giấu hàng trong thùng chứa hành lý xe khách, vận chuyển bằng xe đông lạnh, chở bằng xe gắn máy trốn kiểm dịch và nhiều đối tượng sẵn sàng ăn vạ, vứt thịt xuống đường, thậm chí tấn công đoàn kiểm tra khi bị phát hiện.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
83640
Số người truy cập:
7713247