Chia sẻ tại tọa đàm "Dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế" ngày 1/3, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) cho biết, các món chế biến từ cà pháo đang bán rất chạy.
Chỉ riêng năm ngoái, doanh số từ các sản phẩm liên quan đến cà pháo đạt 30 tỷ đồng, với các loại như cà pháo ngâm chua ngọt, mắn cà pháo, cà pháo mắm nêm, mắm tôm chua trộn cà pháo... "Mùa dịch và mùa Tết vừa rồi bán rất đắt hàng nên tôi quyết định xây riêng một nhà máy chuyên sản xuất cà pháo", ông Tuấn nói.
Nguyễn Lê Quốc Tuấn từng là một nhân sự cấp cao phụ trách kinh doanh của một chuỗi bán lẻ di động lớn. Năm 2018, ông trở về tiếp quản sự nghiệp gia đình khi doanh thu các sản phẩm cà pháo chỉ ở mức 5-6 tỷ một năm. Nguồn cà pháo nguyên liệu của công ty được lấy từ huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh.
Chỉ chọn loại cà cỡ trung và nhỏ, ông Tuấn cho biết cà pháo trồng tại Tây Ninh có độ giòn, ngon phù hợp. Kết hợp nguyên liệu này với công thức gia truyền nhưng vẫn tuân thủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong và ngoài nước nên cà pháo của ông vào được hầu hết hệ thống bán lẻ. Do dồn lực cho thị trường nội địa nên sản phẩm xuất khẩu của ông không nhiều, hiện chỉ xuất đi Nhật Bản.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn tại buổi chia sẻ hôm 1/3. Ảnh: Dỹ Tùng
"Trước đây, chúng tôi tập trung ở thị trường phía Bắc. Giờ sản phẩm phổ biến cả nước, chúng tôi tập trung xây dựng một nhà máy ở An Giang để làm món duy nhất là cà pháo ngâm", ông nói.
Dự án có vốn đầu tư 65 tỷ đồng, dự kiến tiêu thụ 2.000-3.000 tấn cà pháo nguyên liệu, cho ra thành phẩm khoảng 4,5 triệu hủ mỗi năm.
Để chuẩn bị cho dự án, ngoài nguyên liệu tại Tây Ninh, công ty ông đang mở rộng thử nghiệm vùng nguyên liệu ở An Giang và Đắk Nông. Trước đó, ông cho biết từng thử trồng cà pháo ở Đồng Nai nhưng không thành công vì chất lượng không đạt mong muốn. "Giờ nông dân chịu trồng cà pháo là chúng tôi bao tiêu sản phẩm", ông nói.
Bản thân là người ăn chay trường, ông nhận ra xu hướng tiêu thụ thực phẩm chay của người Việt ngày càng tăng, thị trường đang đầy hứa hẹn. Hiện công ty ông còn bán cả mắn cà pháo chay.
"Thị trường này rất lớn vì bản thân con người ai cũng có lầm lỗi. Mà cứ có lỗi là họ thường nghĩ đến ăn chay. Trong khi giờ người ta lười chế biến hơn. Họ chọn ra quán hoặc có món chế biến sẵn", ông Tuấn phân tích.
Một khảo sát được Rakuten Insight tiến hành tại Việt Nam vào tháng 11/2021 cho hay, khoảng 86% người được hỏi cho biết họ có sử dụng các sản phẩm thay thế từ thực vật cho các sản phẩm thực phẩm từ động vật.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam, có 4 lý do khiến người ăn chay ngày càng đông, bao gồm: sức khỏe, đạo đức, tôn giáo và môi trường. "Nền nông nghiệp nhiệt đới, sự đa dạng về nguyên liệu và cách chế biến thực phẩm chay mang đến cho chúng ta rất nhiều hy vọng. Đó là cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam", bà Hạnh nhận xét.
PGS.TS Đàm Sao Mai, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP HCM cho rằng, cùng với xu hướng dùng các sản phẩm thuần chay thì xu hướng dùng các loại thịt thay thế, như phát triển từ vi sinh, tế bào...cũng dần xuất hiện ở Việt Nam. "Rõ ràng tỷ lệ người ăn giảm thịt đi đang gia tăng rất nhiều", bà Mai nói.
Theo số liệu của Statista, thị trường các sản phẩm protein thay thế ở Việt Nam đạt giá trị 249 triệu USD vào năm 2020. Con số này dự đoán tăng trưởng 11,85% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025, và đạt 500 triệu USD vào 2025.
Bà Mai cho biết, thế giới đã có nhiều hãng lớn phát triển các dòng sản phẩm thay thế thịt, ví dụ như Beyond Meat do Bill Gates đầu tư. Việt Nam có thể phát triển ngành này cho xuất khẩu nếu nghiên cứu kỹ đến khẩu vị và thị hiếu của các thị trường mục tiêu.
Về phần mình, ngoài mắm cà pháo chay, công ty của Tuấn còn làm bánh nậm, bánh lọc chay. Anh thừa nhận sản xuất hai loại bánh chay này không có gì đặc biệt, chỉ là công nghệ cấp đông thông thường nhưng vẫn "cháy hàng". "Bánh nậm, bánh lọc chay là kế hoạch phát triển tiếp theo của tôi", Tuấn cho biết.
Dỹ Tùng