Xóm nhỏ ấp Bãi Nhà A, xã Lại Sơn những ngày qua nhộp nhịp hơn ngày thường bởi tin vui Nguyễn Bá Vương - con nhà nghèo lam lũ nhất xóm - đậu đại học ngành kỹ thuật vật liệu ĐH Bách khoa TP.HCM.
Tài sản hiên tại lớn nhất trong nhà là giấy khen của con - Ảnh: Anh Xuân
Ra khơi cả mùa mưa lũ
Hôm chúng tôi vượt biển, đội mưa tìm đến nhà mới hay ba Vương - ông Nguyễn Văn Minh - đã cùng con trai thứ ba theo ghe cào đạp sóng ra khơilàm thuê, còn Vương cũng khăn gói lên TP.HCM nhập học với bộn bề thiếu thốn. Bà Hồ Thị Hồng, vợ ông Minh, năm nay mới 38 tuổi nhưng trên gương mặt gầy guộc lúc nào cũng nhuốm màu khắc khổ, đầy ắp những âu lo. Bà Tư Cụt, hàng xóm bà Hồng, bảo: “Không lo sao được khi gia đình kiếm được chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, chủ yếu dựa vào nghề đi biển của ông Minh. Những ngày mưa dông, biển sóng lớn, ghe cào nằm bờ thì những người quanh năm bám biển như ông Minh bó gối ngồi nhà sống lây lất cho qua bữa”.
Mẹ Vương cho hay từ khi hay tin Vương đậu đại học, người cha luôn nóng lòng đi biển vì miếng cơm manh áo và lo học phí cho con. Vì thế, gần một tháng trước dù thời tiết bất lợi, biển động liên tục, sức khỏe lại không tốt nhưng ông Minh vẫn đánh liều ra khơi. “Biết là có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhưng phận làm cha mẹ có khó nhọc cách mấy cũng tất cả vì con”, bà Hồng dõi mắt về phía biển tự an ủi. Quê tận Bình Định, cuộc sống quá khổ cực nên gia đình bà Hồng phải rời xứ tha phương đến tận đảo Phú Quốc lập nghiệp. Làm ăn không thuận lợi, cả gia đình đùm túm nhau đến đảo Hòn Sơn: chồng tiếp tục ra khơi, vợ tiếp tục bám đảo nuôi con ăn học. Ngặt nỗi điều kiện ở đảo thiếu công ăn việc làm cho phụ nữ nên mẹ Vương lâu lâu mới kiếm được ít tiền từ công việc giặt đồ thuê, xẻ mực mướn, trông giữ trẻ, dọn dẹp nhà cửa cho hàng xóm. “Nghĩ đến cảnh chồng con đêm ngày vất vả mưu sinh trên biển còn mình thiếu công ăn chuyện làm, nhiều đêm tôi không sao chợp mắt được. Ngày ngày tôi đều nghe ngóng quanh xóm xã đảo có công ty nào tuyển công nhân là xin vào làm ngay. Lương thấp cũng được, miễn sao có tiền đủ nuôi con ăn học. Mình khổ cực, rách rưới cũng được nhưng con cái phải được no đủ, lành lặn”, bà Hồng nói.
Cũng vì cuộc sống quá khó khăn nên đứa em kế của Vương phải dở dang chuyện học khi mới xong lớp 9. Đứa em gái tròn 2 tuổi phải gửi nhờ bên ngoại ở Bình Định nuôi giúp. Hiện tại gia đình bà Hồng đang sống trên đất thuê. Căn nhà cả gia đình đang ở được dựng lại sau khi bị bão số 5 đánh sập năm 1997 nay đã xuống cấp. “Hễ trời mưa to gió lớn, cả nhà chạy dạt sang nhà hàng xóm trú ẩn vì sợ sập”, bà Hồng nói.
Thương con nhịn đói đến trường
Nghĩ về con trai đang học xa nhà với bao thiếu thốn, bà Hồng ứa nước mắt: “Thằng Vương quen cực khổ từ nhỏ. Nó thường xuyên nhịn đói cuốc bộ đến trường nhưng không khi nào than vãn. Nhiều lúc thấy con đi học về ngồi tựa chái bếp thở hổn hển vì đói lả, mặt mày tái đi vì cơn đau bao tử hành hạ mà lòng người mẹ như tôi rối như tơ vò. Thấy con ham học nên khó khăn mấy cũng phải lo cho con ăn học đến nơi đến chốn để đời con sau này đỡ khổ hơn cha mẹ chúng”.
Người mẹ nói như nghẹn: “Tài sản lớn trong nhà hiện không có gì quý giá ngoài những tờ giấy khen của các con”.
Phần mình, hiểu cảnh khổ của gia đình nên ngay từ nhỏ Vương vừa đi học vừa bán vé số, lột tôm mướn. Năm học lớp 10, trong lúc đi làm hồ Vương không may bị tảng đá to từ trên cao rơi xuống làm gãy cánh tay phải, mất sức lao động. Không làm được việc nặng, Vương tranh thủ sau giờ học rảo quanh xóm đảo làm nghề “thợ đụng”. Ai thuê gì làm nấy, miễn có tiền đỡ đần giúp cha mẹ.
Để không là gánh nặng cho gia đình, đầu năm học mới cậu học trò không ngại đi xin sách cũ của những người hàng xóm để học, còn tập vở chủ yếu từ nguồn lĩnh thưởng, thầy cô, bạn bè hỗ trợ.
... Hôm trước ngày tiễn con lên đường, cả nhà chạy vạy khắp xóm vay mượn, gói ghém được 2,5 triệu đồng cho Vương làm lộ phí. Số tiền trên sau khi đóng học phí còn lại khoảng 500.000 đồng. Vương bảo sẽ chi tiêu thật tằn tiện, cầm cự đến khi tìm được việc làm nơi đất khách.
Theo Vn Yahoo