Chị Kiều Oanh ở TP HCM, mang thai ở tháng thứ 6, chia sẻ khi biết có bầu chị đã tìm hiểu và mua nhiều loại sữa dành cho bà bầu với mong muốn bổ sung nhiều chất dinh dưỡng giúp em bé thông minh hơn. "Sữa bà bầu béo ngậy và có vị khó uống nên khi uống tôi bị nôn, đau bụng và tiêu chảy. Tôi vốn là người không thích uống sữa nhưng cứ nghĩ uống cho con nên phải cố gắng", chị Oanh nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm, khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thực tế sữa bà bầu cung cấp thêm cho thai phụ các chất đạm, omega 3, một số vitamin A, D, canxi... Những dưỡng chất này cũng có ở nhiều loại sữa khác cùng các thực phẩm ăn uống hàng ngày như sữa đậu nành, phô mai, sữa chua, tôm tép, các loại cá nhỏ, rau xanh, trái cây...
Thai phụ có thể thay thế sữa bầu bằng cách bổ sung các chất dinh dưỡng từ sữa tươi và các loại thực phẩm ăn uống hàng ngày. Ảnh: Telegraph. |
Bác sĩ Thắm khuyến cáo, không nhất thiết thai phụ phải uống sữa dành cho bà bầu mà có thể bổ sung từ những nguồn khác. Thai phụ bị thừa cân béo phì cần phải kiểm soát chế độ ăn uống của mình và không nên uống sữa bà bầu. Nếu uống thì sử dụng sữa không đường để tránh tăng cân quá nhanh trong thai kỳ hoặc đái tháo đường, thai to quá mức cần thiết. Bà bầu bị dị ứng với các chất trong sữa gây mẩn ngứa, đau bụng, tiêu chảy... cũng không nên uống sữa cho người mang thai.
"Nhiều thai phụ cố gắng uống sữa khiến tâm lý cảm thấy khó chịu, làm ảnh hưởng đến em bé trong bụng. Vì thế cần lựa chọn loại sữa phù hợp với sở thích và lưu ý hàm lượng chất dinh dưỡng, tham vấn bác sĩ để sử dụng hợp lý", bà Thắm nói.
Cẩm Anh