Từ chiều tối qua, Sài Gòn đã xuất hiện những cơn mưa lớn, hầu như ở tất cả các quận, huyện khiến nhiều người khá bất ngờ bởi đang ở thời điểm của mùa khô. Nhiều đoạn đường bị kẹt xe do người dân tập trung trú mưa.
Theo Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, thời tiết Nam Bộ trong những ngày tới sẽ còn xấu vì áp thấp nhiệt đới trái mùa, gây mưa và có khả năng sẽ mạnh lên thành bão. Do áp thấp nhiệt đới hướng thẳng vào Nam Bộ nên các tỉnh trong khu vực từ Bình Thuận đến Cà Mau và cả Tây Nguyên sẽ có mưa lớn trên diện rộng, kèm theo lốc xoáy rất nguy hiểm.
|
Áp thấp nhiệt đới đi thẳng vào các tỉnh Nam Bộ gây mưa trên diện rộng. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương. |
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều 17/2, vùng áp thấp ở Nam biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, cách quần đảo Trường Sa 500 km, gió mạnh nhất đạt cấp 9 (75-88 km một giờ) hướng vào các tỉnh Nam Bộ từ Bình Thuận đến Cà Mau. Đến 13h ngày 18/02, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa đông bắc hoạt động mạnh nên khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8-9. Biển sẽ động mạnh.
Hữu Công