Tối 19/4, nhiều diễn đàn phản ánh tình trạng một số trường ở Hà Nội vận động, thậm chí yêu cầu học sinh lớp 9 học lực kém chuyển sang trường tư, trường nghề hoặc cam kết không thi lớp 10 công lập.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy - khu vực có hai trường bị nêu tên - khẳng định "nghi vấn này không có cơ sở". Trong khi đó, Sở Giáo dục yêu cầu mọi trường THCS rà soát, chấm dứt việc vận động học sinh bỏ thi vào lớp 10. Trước phản ứng của Sở và Phòng, nhiều phụ huynh bức xúc và vẫn khẳng định, đây là tình trạng tồn tại đã nhiều năm nay. Trên nhiều diễn đàn, những câu chuyện tương tự từ các năm về trước tiếp tục được chia sẻ.
Gần 30 năm kinh nghiệm giảng dạy và quản lý, cô Trần Nhung (đã đổi tên) - hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội phỏng đoán, áp lực thành tích có thể là nguyên nhân khiến một số trường vận động học sinh kém bỏ thi.
Cô Nhung cho biết, sau mỗi kỳ thi vào lớp 10 công lập, điểm trung bình của từng trường sẽ được Phòng Giáo dục thống kê. Dù không phải là tiêu chí đánh giá chính thức, các trường vẫn bị nhắc nhở và được yêu cầu xây dựng kế hoạch cải thiện, nếu có kết quả kém. Lớp nào, trường nào càng nhiều học sinh kém dự thi, điểm trung bình càng dễ bị kéo xuống, dẫn đến thành tích thấp.
"Nói là lưu hành nội bộ, nhưng bằng cách nào đó, các thống kê này vẫn được lan truyền ra ngoài. Do đó, thứ hạng thấp sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của trường", cô nói và cho rằng, với áp lực đó, các trường sẽ mong muốn giảm được càng nhiều học sinh kém dự thi càng tốt.
Hiệu trưởng một trường THCS ở ngoại thành cũng cho rằng danh tiếng của các trường, đặc biệt ở 12 quận nội thành - nơi tỷ lệ cạnh tranh đầu vào cao - là yếu tố rất được chú trọng, cả về phía trường và phụ huynh. "Ai cũng muốn con mình vào trường tốt, và một trong những tiêu chí 'tốt' mà phụ huynh nhìn vào chính là kết quả đỗ lớp 10", thầy nói.
Ngoài ra, cảm giác "bị ép học nghề" có thể xảy ra tại các cuộc tư vấn, hướng nghiệp, được thực hiện ở các lớp 9 vào khoảng gần cuối năm học.
Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" có một mục tiêu cụ thể là phấn đấu ít nhất 25-30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo các hiệu trưởng, việc định hướng và phân luồng học sinh sau THCS là hợp lý, bởi thực tế, một số học sinh không có khả năng hoặc không muốn tiếp tục con đường học vấn. Những em này có thể phù hợp với học nghề. Nhiệm vụ của nhà trường là giúp học sinh hiểu rõ năng lực bản thân, cung cấp thông tin về các lựa chọn để các em tự định hướng tương lai của mình.
Cô Nhung cho biết năm nay, trường cô tổ chức bốn đợt thi thử vào lớp 10. Sau đó, trường sẽ lọc danh sách học sinh chỉ đạt 0-2 điểm mỗi môn trong cả bốn lần, đối chiếu với điểm học tập hàng năm và lấy ý kiến giáo viên chủ nhiệm. Nếu đủ căn cứ cho thấy học sinh khó trúng tuyển vào lớp 10 công lập, trường sẽ định hướng cho các em con đường khác. Ở các buổi định hướng, giáo viên giải thích mọi khía cạnh được, mất của các lựa chọn.
Theo cô Nhung, nếu phụ huynh cảm thấy mình bị vận động hoặc ép ở các buổi tư vấn này, hoàn toàn có thể khiếu nại tới các cơ quan chức năng. Nhà trường, giáo viên liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã làm trái với chủ trương.
Tuy nhiên, ông Đoàn Tiến Trung, Phó phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, nhận định cũng có trường hợp hiểu nhầm giữa trường và phụ huynh trong quá trình tư vấn. "Cách truyền đạt của giáo viên có thể gây hiểu sai, khiến phụ huynh và học sinh cảm thấy mình bị ép học nghề", ông Trung nói.
Một số ý kiến nghi ngờ, mức chỉ tiêu 25-30% học sinh được định hướng học nghề có thể tạo ra áp lực khác cho các nhà trường, khiến không chỉ học sinh kém, mà học sinh khá cũng bị vận động. Ông Trung khẳng định các trường không bị áp chỉ tiêu phân luồng. Việc định hướng phải dựa trên năng lực từng em, "không thể bắt học sinh khá đi học nghề". "Đây là một cuộc vận động, thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình, không nhất thiết phải học và thi THPT bằng mọi giá", ông Trung nói.
Chính vì căn cứ vào năng lực từng học sinh, ông Trung cho biết Phòng và Sở cũng không so sánh tỷ lệ phân luồng giữa các trường. Ông lấy ví dụ, THCS Cầu Giấy là trường chất lượng cao của quận, tỷ lệ đỗ trường THPT chuyên, đi du học rất nhiều, dẫn đến việc học sinh vào trường nghề rất ít.
Đại diện các trường và Phòng Giáo dục cho biết bên cạnh việc ngăn chặn và quán triệt giáo viên không ép học sinh chuyển trường hoặc bỏ thi lớp 10, thời gian tới, thầy cô sẽ được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng truyền đạt, tư vấn cho phụ huynh, học sinh.
Thanh Hằng - Dương Tâm