Tháng 8-1995, ông V.T.D. (hiện đã chết), chủ nhà máy xay lúa Thạnh Phát, đến Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Tân Hiệp (hiện đã sáp nhập vào Ngân hàng Đông Á) vay 200 triệu đồng. Các tài sản thế chấp gồm: nhà máy xay lúa Thạnh Phát, một căn nhà ở thị trấn Tân Hiệp, giấy sang nhượng đất thổ cư, tàu đánh cá và một máy lau bóng gạo. Khi ông D. bị khởi tố, các ngành chức năng kê biên toàn bộ tài sản thế chấp, kể cả máy lau bóng gạo trong khi chiếc máy này không phải là tài sản của ông D. mà của ông Bổ, em rể ông D..
Thi hành án lắc đầu
Tháng 12-1996, Tòa án nhân dân huyện xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, tòa đã nhận định máy lau bóng gạo là tài sản riêng của ông Bổ nhưng bị cáo D. đem thế chấp Ngân hàng Tân Hiệp mà không được sự ủy quyền của ông Bổ là việc làm trái pháp luật. Năm 1998, Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, về phần tài sản thế chấp vẫn tuyên “giao trả máy lau bóng gạo cho ông Nguyễn Văn Bổ. Ngân hàng thương mại cổ phần Tân Hiệp và ông Nguyễn Đức Bình chịu trách nhiệm giao trả”.
Tháng 3-1999, Đội thi hành án huyện Tân Hiệp ra quyết định thi hành án nhưng rồi không thi hành được. Từ đó đến nay, ông Bổ đã làm rất nhiều đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương yêu cầu trả lại máy lau bóng gạo nhưng vẫn không được giải quyết.
Ông Trần Thanh Út (chấp hành viên Cục Thi hành án tỉnh Kiên Giang) nói: “Chúng tôi cũng muốn thi hành lắm nhưng không thể được. Nguyên do bản án của tòa án phúc thẩm không tuyên rõ loại máy gì, giá trị sử dụng còn lại bao nhiêu phần trăm hoặc giá trị máy bằng bao nhiêu tiền. Trong khi đó, máy lau bóng gạo đã bị ngân hàng và ông Bình bán trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm. Hiện vật không còn nên không thể thi hành án”.
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ngày 17-5-2011 Cục Thi hành án tỉnh Kiên Giang đã mời các tổ chức thẩm định giá trên địa bàn để thẩm định giá máy lau bóng gạo. Tuy nhiên các tổ chức này đều lắc đầu vì không đủ cơ sở và dữ liệu để thực hiện.
Cũng theo ông Út, hai bên cũng đã thương lượng nhiều lần nhưng không thành. Theo điểm c, khoản 1, điều 114 Luật thi hành án năm 2008: trường hợp trả vật đặt định nhưng không còn, các đương sự không thỏa thuận được thì thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án. Đơn sự có quyền khởi kiện ra tòa án về thiệt hại do vật không còn. “Chúng tôi đã có văn bản báo cáo nhiều nơi như Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Thi hành án, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh Kiên Giang... về nguyên do không thi hành án được. Đồng thời cũng hướng dẫn ông Bổ, bà Ni đưa vụ việc sang tòa án” - ông Út nói.
Tòa án từ chối
Cầm những văn bản hướng dẫn trả lời của các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương, bà Võ Thị Ni, vợ ông Bổ, thở dài: “Trải qua thời gian dài đằng đẵng nhưng không ai giải quyết cho tôi. Tôi cũng từng đến Tòa án huyện Tân Hiệp khởi kiện và ngày 16-12-2006 cơ quan này nhận đơn nhưng họ nói vụ này khó quá xử không được. Bây giờ tôi chẳng biết trông cậy ở đâu. Giờ tôi chỉ có yêu cầu duy nhất là ai làm sai thì có trách nhiệm trả máy lau bóng gạo cho tôi”.
Bà Ni nói máy lau bóng gạo vợ chồng bà mua vào năm 1995 giá 140 triệu đồng. Tuy nhiên khi Ngân hàng Tân Hiệp bán vào tháng 2-1997 chỉ có 39 triệu đồng. Theo bà Ni, hiện nay máy lau bóng gạo do một đơn vị ở TP.HCM cung cấp có bảng báo giá gần 3 tỉ đồng.
Thêm một lần nữa, vào ngày 14-7, ông Lê Văn Thi - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - tiếp tục chỉ đạo Cục Thi hành án tỉnh Kiên Giang mời những người có liên quan yêu cầu cung cấp tài liệu hoặc các nguồn tài liệu khác phục vụ việc thẩm định máy lau bóng gạo và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.