Hai đứa cháu sinh đôi - một trai, một gái - ngây thơ đội khăn trắng chơi đùa dưới di ảnh của ông mà không ý thức được rằng người ông kính yêu của chúng đã ra đi mãi mãi. Bà Bé - vợ nạn nhân - ngậm ngùi: “Hai đứa nó quấn ông lắm, nhất là đứa cháu gái, ông đi đâu cũng theo đó. Rồi đây không biết sẽ phải mất bao lâu để chúng nó quen với việc không có sự chăm sóc của ông nội...”.
Cái chết của ông Nguyễn Văn Tái (67 tuổi, ở thôn Bình Đê, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) vào ngày 8-10 vừa qua đã gây xôn xao cả làng quê bởi hung thủ không phải ai khác, chính là người hàng xóm tên Phạm Văn Phê (77 tuổi) của ông Tái và nguyên nhân xảy ra vụ án, thật oái oăm, do ông Phê nghi ông Tái đã “tòm tem” với bà Nguyễn Thị Nga (71 tuổi, vợ ông Phê) trong suốt 4-5 năm nay.
Cái chết bất ngờ đầy oan nghiệt
Không khó để chúng tôi tìm được nhà của ông Tái trước sự chỉ dẫn của người dân. Bà con cứ nghĩ nhóm phóng viên chúng tôi là bạn bè hay người thân ở xa về chia buồn với gia đình nạn nhân.
Căn nhà trang nhã, khoảng sân rộng nay đã vắng bóng ông chủ nhà hiếu khách. Thắp xong nén nhang cho người quá cố, chúng tôi ngồi trò chuyện chia buồn cùng gia đình trong tiếng kinh cầu siêu.
Trao đổi với phóng viên, người nhà ông Tái vẫn chưa hết bàng hoàng bởi cái chết đầy bất ngờ, oan nghiệt của chồng, của cha mình. Trong buổi sáng định mệnh 8-10 ấy, ông Tái cùng bạn bè lên chiếc xe 16 chỗ đi ăn cưới trên Hà Nội. Đến 14h cùng ngày, ông về nhà và ngủ trên chiếc giường quen thuộc. Thức dậy lúc 16h, ông nói với vợ là bà Nguyễn Thị Bé: “Tôi đi ra đồng thăm lúa xem khi nào được gặt”.
Nói rồi ông Tái đạp xe đi thăm đồng, đến khoảng 17h về gần đến ngõ đi vào nhà mình, cũng là cổng nhà ông Phê. Cũng tại đây, ông Tái bất ngờ bị ông Phê dùng dao đâm vào bụng, ngã gục trên đường thôn.
Khoảng chục phút sau, Hải - cháu gọi ông Tái là bác ruột - đi học về qua, thấy vậy nên tưởng bác bị ngã xe và vội chạy đến. Nào ngờ, Hải vừa nâng ông Tái dậy thì thấy máu tứa ra từ bụng ông. Cậu bé hốt hoảng gọi bà Bé và con dâu ông Tái ra. Chị con dâu nhanh chân chạy ra trước, lúc bà Bé ra đến nơi chỉ nghe thấy ông Tái nói: “Con ơi, ông Phê ông ấy đâm chết bố rồi”.
Bà Bé ngẩng mặt lên nhìn vào nhà ông Phê ở ngay đối diện. Đập vào mắt bà là cảnh tượng ông Phê đang đứng ngó ra, tay vẫn cầm con dao chọc tiết lợn to bằng bàn tay. Bà Bé chết lặng, chân tay bấn loạn, mồm muốn kêu cứu nhưng không thốt thành tiếng. Ngay sau đó, người con dâu chạy vào nhà lấy chiếc áo khoác ra cầm máu cho bố rồi cùng hàng xóm đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện.
17h14 cùng ngày, anh Nguyễn Hải Đăng (con trai ông Tái) nhận được tin qua điện thoại báo: “Bố bị đâm, đến bệnh viện ngay” khi anh đang đi làm cách nhà khoảng 2km. Lúc đó, anh Đăng chỉ nghĩ bố bị xe cộ trên đường đâm phải. Lao vào Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc, anh Hải cùng các bác sĩ đỡ bố xuống thì ông Tái nói: “Khe khẽ thôi, ruột lòi ra ngoài rồi đây này”, rồi tiếp: “Tao chẳng làm gì cả, đang đi thăm đồng về, ông Phê ông ấy đâm tao”. Lúc mới vào viện, ông Tái vẫn còn tỉnh táo hướng dẫn cho người nhà lấy giấy tờ, bảo hiểm ông để trong túi áo treo trên tủ. Nhưng không lâu sau đó, ông nói với anh Đăng: “Bố khó thở lắm” rồi lịm đi. Nghe bác sĩ bảo ra ký giấy chuyển viện mà anh Đăng bủn rủn chân tay... 20h cùng ngày, do vết thương quá nặng, ông Tái mãi mãi ra đi.
Nạn nhân đã bị hung thủ nghi oan
Theo đánh giá của người dân địa phương, ông Nguyễn Văn Tái là người hiền lành, tốt tính, sống cởi mở. Gia đình ông bao năm nay đều rộn rã tiếng cười chứ không có mâu thuẫn gì giữa các thành viên.
Phóng viên đã gặp nhiều người biết ông Tái, từ bạn bè đến người thân và họ đều khẳng định giống nhau ở một điểm: Không thể có chuyện ông Tái quan hệ bất chính với vợ ông Phê vì trước nay ông Tái sống rất có nguyên tắc và có trách nhiệm với xã hội.
Trước đây, ông Tái từng công tác trong quân đội và cơ quan nhà nước với 40 năm tuổi Đảng. Nhận tin ông Tái gặp nạn, các bạn đồng ngũ đã lũ lượt kéo đến nhà ông chia buồn. Trong đó, có người bạn của ông Tái đến nay còn chưa quên được tính cách hào hiệp của ông Tái.
“Một mùa đông hồi còn trẻ, ông ấy đi bộ đội trong Nam về đến nhà tôi chơi, hồi đó tôi mới lấy vợ sinh con, còn nghèo túng, đói rách lắm. Thấy vậy, ông ấy cởi luôn cái áo len đang mặc kỷ niệm cho tôi, rồi khoác mỗi cái áo lính mỏng đi về. Hồi đó ai có được cái áo len mà khoác là quý lắm...” - người này xúc động kể cho bà Bé nghe.
Miên man trong những câu chuyện về các đức tính tốt đẹp của người quá cố mà bạn ông Tái kể lại, đôi mắt người vợ già như nhòa đi. Bà nói trong tiếng nấc: “Ông ấy không tỉnh táo mà nói ra ai đâm mình thì gia đình cũng chỉ nghĩ là bị tai nạn chứ không nghĩ được gì khác. Bao nhiêu năm trời ròng rã nơi chiến trường, bao nhiêu năm công tác xa nhà, khi già về đến quê hương thì...” - lời kể của bà nghẹn đi. Cuộc trò chuyện bị tạm ngừng vì xúc động, trong gian nhà nhỏ ai cũng lặng thinh ngước nhìn về phía bàn thờ. Tiếng kinh cầu siêu vẫn đều đều bên di ảnh...
***
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xét ra thì giữa gia đình nạn nhân và gia đình hung thủ còn có quan hệ họ hàng. Bà Nguyễn Thị Nga (vợ ông Phê) được vợ chồng ông Tái gọi là dì do mẹ của bà Bé là con cô, con cậu ruột với bà Nga. Quan hệ giữa hai gia đình trước khi xảy ra vụ án cũng rất tốt đẹp. Hiện tại con trai cả của ông Tái vẫn đang cầm hai lọ thuốc chữa thoái hóa cột sống mà con dâu ông Phê nhờ anh mua cho chồng ở Bắc Giang. Nguyện vọng lớn nhất của gia đình nạn nhân bây giờ là tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên cái chết đầy oan khuất của ông Tái và mong pháp luật xử đúng người, đúng tội.