Khoảng 18h30 tối 15/5/1937, sáu công nhân vừa hết giờ làm đi tới ga tàu điện ngầm Charenton, lên toa hạng hai tuyến tàu điện ngầm Paris số 8 về nhà. Khi đó các tuyến tàu điện ngầm Paris đều có các toa hạng nhất và toa hạng hai. Giá vé toa hạng nhất đắt gấp đôi toa hạng hai nhưng chỗ ngồi cũng rộng rãi và dễ chịu tương ứng. Tuy nhiên đối với đa số người dân, toa hạng hai đáp ứng nhu cầu đi lại hàng ngày, nên hạng nhất thường rất ít khách.
Sau khi lên xe, 6 người đều chú ý tới một phụ nữ xinh đẹp, hành khách duy nhất ngồi ở toa hạng nhất phía trước. Khi đoàn tàu đến ga tiếp theo, ánh sáng từ bên ngoài tràn vào, các công nhân lại bất giác nhìn về phía cô, khi này đang ngồi ngửa mặt trên chỗ ngồi, trên cổ có một con dao.
Theo lịch trình, 45 giây sau tàu sẽ đến điểm dừng tiếp theo là ga Dorée. Không ai ngờ, chỉ trong 45 giây ngắn ngủi này, án mạng đã xảy ra. Đây là vụ án giết người đầu tiên xảy ra trên tàu từ khi các tuyến tàu điện ngầm Paris được đưa vào vận hành từ năm 1900, vì vậy đã làm chấn động cả nước Pháp.
Tàu ngầm Paris được đưa vào vận hành từ năm 1900. Ảnh: Toutiao
Cảnh sát vào cuộc nhưng điều tra được bất cứ manh mối nào. Tại hiện trường không tìm được dấu vân tay hoặc dấu chân nghi do hung thủ để lại, cũng không phát hiện dấu vết phá cửa bằng bạo lực.
Vụ án này có sáu người chứng kiến, chính là sáu công nhân trên toa hạng hai phía sau. Lời khai của họ đều tương đối thống nhất và trong toa hạng nhất vẫn không xuất hiện người thứ hai. Cảnh sát hỏi thăm những người đứng đợi tàu ở ga Dorée nhưng tất cả khẳng định không nhìn thấy có người nào ở toa hạng nhất đi xuống.
Giữa toa hạng nhất và các toa khác đều bị ngăn cách bằng hai lớp cửa sắt khóa chặt, người ở các toa khác chắc chắn không thể đi vào toa này. Bốn cửa lên xuống ở phía trước và phía sau hai bên toa tàu đều tự động đóng lại khi tàu chạy, có nghĩa khi xảy ra vụ án, toa tàu này là một không gian kín, về lí thuyết chỉ có một mình nạn nhân trong đó.
Như vậy là trong vòng 45 giây, hung thủ cần hoàn thành một loạt các động tác gồm mở cửa, đi vào toa tàu, rút dao giết người, thoát khỏi toa tàu mà không để lại bất cứ dấu vết nào ở hiện trường. Đây rõ ràng là nhiệm vụ bất khả thi.
Nạn nhân là Laetitia Toureaux, người Italia, nữ công nhân xưởng sản xuất nến. Mấy năm trước khi xảy ra vụ án, cô kết hôn với một người Paris tên Jules Toureaux, vì vậy chuyển đến Paris sinh sống. Nhưng không lâu sau khi kết hôn, Jules qua đời vì bệnh tật. Thành goá phụ, ngày nào Laetitia cũng mặc đồ đen để tang, hơn nữa chủ nhật nào cũng đến thăm mộ chồng.
Bất kể là trong cuộc sống hay trong công việc, Laetitia đều được mọi người đánh giá thông minh, chăm chỉ, thiện lương, thường xuyên giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ. Từ những lời khai này, cảnh sát cảm thấy Laetitia là một phụ nữ không tai tiếng, thậm chí không tìm được đối tượng tình nghi có thể sát hại cô.
Trong lúc dư luận đang cảm thấy nuối tiếc cho người phụ nữ hoàn hảo này, một số tờ báo lại phát hiện điểm đáng ngờ trên người Laetitia. Với mức thu nhập của Laetitia, cô không thể mua được bộ váy áo sang trọng mặc khi gặp nạn, cũng không dư dả đến mức mua vé toa hạng nhất.
Ngày thứ năm sau khi xảy ra vụ án, phóng viên một tờ báo phát hiện Laetitia có một thân phận khác, thực ra cô chính là một đóa hoa nổi tiếng tại các tụ điểm giải trí ban đêm tại Paris. Ban ngày, cô là quả phụ mẫu mực trong mắt mọi người, nhưng đến ban đêm dùng tên giả, Yolande, đi khắp các tụ điểm ăn chơi nổi tiếng tại Paris.
Sau khi chồng chết, Laetitia có quan hệ tình cảm dài hạn với ít nhất bốn người đàn ông. Tất cả họ sau đó đều được cảnh sát loại khỏi diện tình nghi. Rất nhanh, Laetitia trở thành mục tiêu công kích của thế lực bảo thủ, tiêu điểm của mọi người không còn là Laetitia chết như thế nào, mà là có đáng chết hay không.
Báo chí đưa tin về vụ án của Laetitia. Ảnh: Toutiao
Tiếp tục đào sâu vào đời tư của Laetitia, phóng viên kinh ngạc phát hiện Laetitia còn có một thân phận thứ ba. Ngày 22/5/1037, ngày thứ bảy sau khi xảy ra vụ án, một tờ báo khẳng định Laetitia chính là gián điệp ngầm của cảnh sát Paris cài vào những người gốc Italia bản địa.
Năm 1937, nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa phát xít Mussolini đang cầm quyền ở Italia, đồng thời tiến hành thẩm thấu đến các quốc gia xung quanh. Khi đó Paris đã có nhiều nhóm phát xít Italia hoạt động, trong đó nổi tiếng nhất là băng đảng La Cagoule với các thanh viên đều là người gốc Italia. Vì lo lắng những nhóm phát xít này lật đổ chính quyền, cảnh sát Paris tăng cường tìm người làm cơ sở ngầm trong cộng đồng gốc Italia, Laetitia chính là một trong số đó.
Thu nhập của Laetitia có một bộ phận lớn đến từ cảnh sát Paris, còn việc cô thường xuyên đến các hộp đêm cũng là để có thể nắm được nhiều tin tức hơn. Từ năm 1936 đến năm 1937, băng đảng La Cagoule đã tiến hành nhiều vụ ám sát tại Paris, vì vậy rất có thể chúng đã phát hiện thâm phận của Laetitia và ám sát cô.
Một năm sau vụ án Laetitia bị sát hại, dù cảnh sát nhận định có liên quan đến băng đảng La Cagoule nhưng lại không thể tìm được bằng chứng. Sau đó chiến tranh thế giới lần thứ hai lan đến nước Pháp, hồ sơ vụ án Laetitia bị đóng lại.
Những đồn đoán về vụ án vẫn kéo dài nhiều năm sau đó, có người cho rằng Laetitia đã tự tử, có người cho rằng sáu công nhân nọ chính là người của La Cagoule, nhưng không ai có thể biết được Laetitia đã chết như thế nào và kẻ nào mới là hung thủ thật sự.
Khang Diệp (Theo Toutiao)