Ăn gì cho da... chậm già?


 
Vì đâu da ta nhăn?

Ở lớp bì của da có hai thành phần đóng vai trò quan trọng trong sự định hình các đường nét của khuôn mặt, đó là: collagen (sợi tạo keo) và elastin (sợi đàn hồi).
 

     
Sự thoái biến của cơ thể theo năm tháng và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ làm lượng collagen bị mất đi khoảng 1,5% mỗi năm. Các sợi collagen suy giảm không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Tốc độ tổng hợp collagen bị chậm lại nhưng tốc độ phân huỷ gia tăng. 
 
Trong khi đó collagen là thành phần chính của các mô liên kết, có khả năng đàn hồi và chịu lực rất cao. Với da, nó quyết định sự săn chắc, vì thế khi collagen giảm sút, cấu trúc da sẽ bị yếu. Từ đó các nếp nhăn, các rãnh trên da hình thành. 
 
Cùng với collagen, các sợi elastin đảm nhận tính linh hoạt của các mô trong cơ thể. Chúng cũng bị suy giảm do tuổi. Hai thành phần này khi mất đi sẽ ảnh hưởng đến hình dáng gương mặt và làn da. Da sẽ bị chùng nhão, bị chảy, khuôn mặt võng xuống, có vẻ như bạnh ra. Điều này thấy rõ khi bước vào tuổi 40.
 
Hành trình của da sau khi vào dạ dày
 
Nhiều người đã thực hiện và truyền miệng nhau lời khuyên ăn da để cung cấp thêm collagen và elastin. Người ta cho rằng đây là phương pháp an toàn mà lại đánh thẳng vào nguyên nhân tạo ra các nếp nhăn da (do thiếu collagen). Vả lại khi ăn da thì da được nuôi dưỡng từ... bên trong! Có đúng vậy không?
  

“Ăn da động vật là việc không được khuyến cáo cho người dư cân, béo phì, người có rối loạn chuyển hoá chất lipid... Trong khi đó, tuổi trung niên và cao niên lại thường phải đối mặt với các vấn đề sức khoẻ này”.

 
“Chất” da (của gà, vịt, heo, bò, cá...) là những protein ngoại sinh, được thuỷ phân một phần trong dạ dày và hầu như trọn vẹn tại ruột, thông qua một men tiêu hoá là men pepsin. Men này cắt nhỏ các protein để cho ra các axit amin và các peptid (là chuỗi các axit amin kết hợp với nhau). Như vậy da, dù là da con gì, cũng đều được nghiền nhuyễn, biến thành các đơn vị nhỏ nhất để hấp thu tại ruột và sau đó khuếch tán vào máu.
 
Quá trình đồng hoá tiếp theo của cơ thể sẽ tạo ra protein cần thiết cho người dựa vào nguyên liệu là các peptid, các axit amin đã được tạo ra theo cách trên. Protein từ da động vật đưa vào qua thực phẩm sẽ được dùng chung cho nhu cầu của toàn cơ thể, chứ không chỉ riêng hình thành collagen tại da người. Hơn thế, collagen của da người có cơ chế tạo thành riêng, không giống da động vật, với lượng lớn là hai loại axit amin: proline và glycin.
 
Không lợi mà còn hại sức khoẻ
  
Da khô ráp, không đều màu, có sự xuất hiện của các nếp nhăn nhỏ, các rãnh lớn, các đốm nâu xen kẽ các đốm trắng tạo hình ảnh như da đồi mồi, các nốt ruồi son, da dễ bầm máu, chậm lành vết thương, có các u lành, kén bã... đều là các biểu hiện của làn da có tuổi. Những triệu chứng này thể hiện rõ và sớm ở các vùng phơi bày như mặt, cổ, tay vì chịu tác động của ánh nắng mặt trời, gọi là sự lão hoá da do quang học.
 
Các bất thường về màu sắc, mạch máu, độ dày, độ ẩm hoặc các u lành trên da cũng có thể gặp trong bệnh này bệnh khác của da. Riêng sự xuất hiện của các nếp nhăn tĩnh (là nếp nhăn vẫn xuất hiện dù không có sự cử động của cơ mặt) thì không thể chối cãi, chỉ lão hoá da mới có.
 
Sự thiếu hụt collagen ở người có tuổi không chỉ do thiếu hụt về lượng, mà còn cả về chất. Sự thiếu hụt ấy xuất phát từ nguồn gốc sâu xa là sự lão hoá chung của toàn cơ thể. Đây là quy luật không thể tránh khỏi cho mọi sinh vật, được quy định bởi gene và chịu tác động phần nào từ lối sống và môi trường. 
 
Điều đó cho thấy chất dinh dưỡng từ da được cung cấp qua thực phẩm sẽ không giúp cải thiện được bao nhiêu. Không những thế, ăn da động vật là việc không được khuyến cáo cho người dư cân, béo phì, người có rối loạn chuyển hoá chất lipid... Trong khi đó, tuổi trung niên và cao niên lại thường phải đối mặt với các vấn đề sức khoẻ này.
Ăn gì để da đỡ... già?

Các gốc tự do là một trong nhiều nguyên nhân gây ra sự hoá già và sự chết của các sinh vật. Chúng được tạo ra một cách sinh lý qua các phản ứng sinh học trong cơ thể (do chuyển động nhiệt, do phản ứng hoá học của một số kim loại, chất halogen...). 
Trường hợp này, chúng có với hàm lượng thấp và dễ bị thải trừ nên ít gây hại. Còn những bất lợi cho cơ thể thường xảy đến với các gốc tự do hình thành từ các yếu tố ngoại sinh như từ các tia vũ trụ, các bức xạ ion, quá trình thực bào sau tấn công của vi khuẩn, các chất sinh ung thư, hóa chất, thuốc, thực phẩm và ô nhiễm môi trường (không khí, ozone, khói thuốc lá)... và nhất là stress.
Thực phẩm có thể hoá giải phần nào các gốc tự do gây hại theo cơ chế ngăn ngừa, thải trừ hoặc làm giảm tác hại của chúng. Các chất có tính năng này được gọi là chất chống oxy hoá. Các chất chống oxy hoá có thể tan được trong nước (vitamin C, cysteine, methionine, selenium, glutathione...), trong dầu (vitamin E, vitamin A, carotenes, lycopene, coenzyme Q10...) hoặc vừa nước vừa dầu (axit lipoic, melatonin, một vài chất polyphenols hoặc một vài flavonoids...).
Các nguồn thực phẩm giàu những chất này như cá hồi, tảo microalgae, dầu thực vật, càrốt, bí đỏ, đu đủ, xoài chín, cam, rau lá xanh đậm… là các “chiến sĩ đặc nhiệm” trong việc dọn dẹp các chất tự do gây hại cho sức khoẻ và sự trẻ đẹp của chúng ta
Theo BS VÕ THị BẠCH SƯƠNG (Sài Gòn Tiếp Thị)

Giày Đại Phát solution
Số người online:
18737
Số người truy cập:
9058899