Pamela Wojas kết hôn với Gregory Smart năm 1989 ở tuổi 22. Họ gặp nhau tại bữa tiệc khi cô sinh viên Pamela về thăm gia đình ở bang New Hampshire trong kỳ nghỉ Giáng sinh năm 1986.
Gregory chuyển đến Florida để sống với Pamela trong khi cô học nốt bằng truyền thông tại Đại học Bang Florida. Pamela mơ ước trở thành phóng viên truyền hình, nhưng không thể tìm được công việc đúng ngành, lương cao sau khi tốt nghiệp. Cặp đôi chuyển về New Hampshire sau khi mẹ Pamela giúp cô có vị trí giám đốc dịch vụ truyền thông, chịu trách nhiệm sản xuất tin tức và quản lý thư viện video cho 11 trường học ở đông nam New Hampshire. Gregory kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Họ thuê một căn hộ chung cư gần nhà bố mẹ Gregory và tận hưởng cuộc sống vợ chồng son hạnh phúc. Nhưng chưa đầy một năm hôn nhân, Gregory thú nhận với Pamela rằng "có tình một đêm".
Thời điểm đó, cô gặp học sinh 15 tuổi tên là Billy Flynn trong hoạt động tình nguyện ở trường. Nam sinh kém 6 tuổi luôn lấy lòng và dần khiến cô nảy sinh tình cảm. Hai người trở thành tình nhân bí mật và vượt quá giới hạn vào sinh nhật 16 tuổi của Billy. Pamela cho rằng lời thú nhận từng ngoại tình của chồng đã đẩy cô đi xa.
Ngày 1/5/1990, 6 ngày trước lễ kỷ niệm một năm ngày cưới, Pamela trở về nhà sau cuộc họp ở trường và báo cảnh sát việc người chồng 24 tuổi chết trong vũng máu trên sàn, căn hộ bị lục tung. Từ hiện trường ban đầu, cảnh sát cho rằng Gregory có thể bị kẻ trộm đột nhập sát hại.
Bước ngoặt xảy đến vào 6 tuần sau, Vance Lattime Sr. đến sở cảnh sát với khẩu súng nói rằng đây có thể là khẩu súng đã nhằm vào Gregory. Một người bạn của con trai Vance đã thú nhận điều này với anh.
Sau khi đối chiếu, cảnh sát nhận thấy những viên đạn được bắn ra từ khẩu súng này phù hợp với viên đạn đã sát hại Gregory.
Khi bị thẩm vấn, Ralph Welch, bạn cùng lớp của Vance Lattime Jr., cho biết đã nghe Pete Randall và Lattime Jr. kể lại việc sát hại Gregory ra sao. Theo đó, nhóm bốn người gồm Pete, Lattime Jr., Billy và Raymond Fowler cùng tham gia vụ giết người. Lattime Jr. lái xe chở cả bọn đến nhà Gregory, Billy và Pete đột nhập căn hộ còn Raymond chờ trong xe. Pete giữ đầu Gregory để Billy bắn. Sau đó họ dàn dựng hiện trường như vụ trộm.
Ralph còn nói với cảnh sát rằng nghe thấy hai bạn kể Pamela đã hứa cho mỗi người 500 USD sau khi nhận được 140.000 USD tiền bảo hiểm nhân thọ của chồng.
Khi cảnh sát chưa tìm được mối liên hệ giữa Pamela với bốn nam sinh, Cecilia Pierce, bạn học của Billy và có quen biết Pamela, cung cấp manh mối rằng Pamela ngoại tình với Billy - kẻ nổ súng bắn Gregory.
Bốn thiếu niên nhận tội sau khi đồng ý hợp tác để được giảm án. Họ khai với điều tra viên rằng Pamela đã dàn dựng vụ giết người đến từng chi tiết nhỏ nhất. Cô để lại một lối vào không khóa để họ có thể tấn công bất ngờ khi Gregory về nhà, hướng dẫn họ làm hiện trường giống vụ trộm, Lattime Jr. mua súng đạn bằng tiền do Pamela đưa cho.
Billy nói bị Pamela ép buộc phạm tội. "Cô ấy xinh đẹp, thông minh, trưởng thành... và thích tôi. Cô ấy nói lựa chọn duy nhất là giết anh ta", Billy khai với cảnh sát. Theo Billy, Pamela nói ghét chồng và liên tục bàn về kế hoạch giết chồng.
Ngày 1/8/1990, Pamela bị bắt, thành nhân vật trung tâm của truyền thông trong phiên tòa đầu tiên vào năm 1991.
Vụ án chủ yếu dựa vào lời khai từ bốn thiếu niên. Bên công tố nhận định Pamela là kẻ chủ mưu máu lạnh, khống chế người tình vị thành niên bằng sức hấp dẫn tình dục. Tuy nhiên, Pamela phủ nhận tất cả. Cô cho rằng vụ giết người là hành động của riêng Billy và nhóm bạn, sau khi cô nói muốn chấm dứt mối quan hệ để hàn gắn hôn nhân.
Ngày 22/3/1991, bồi thẩm đoàn kết tội Pamela mua chuộc nhân chứng, âm mưu giết người và là đồng lõa giết người cấp độ một. Tội mua chuộc nhân chứng đến từ việc Pamela xúi giục Cecilia nói dối cảnh sát. Pamela bị kết án tù chung thân không ân xá. Cô không nhận tội.
Năm 1992, Billy và Pete bị kết án tù chung thân vì tội giết người cấp độ hai nhưng được trả tự do vào năm 2015 nhờ ân xá. Lattime Jr. cũng bị kết án tù chung thân vì tội đồng lõa giết người cấp độ hai, được ân xá năm 2005. Raymond bị phạt 30 năm tù vì âm mưu giết người và trộm cắp nhưng chỉ phải ngồi tù 13 năm.
Pamela xin được ân xá vào năm 2004 nhưng bị từ chối vì cho rằng cô luôn đổ lỗi mà không chịu nhận trách nhiệm và bày tỏ sự ăn năn.
Bốn người đàn ông liên quan vụ giết người được ân xá khiến những người ủng hộ Pamela cho rằng giới tính đóng một vai trò trong vụ án. Steinem, nhà lãnh đạo phong trào nữ quyền ở Mỹ, gọi bản án của Pamela là "một sự bất công to lớn".
Vụ án của Pamela là chủ đề của nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh, truyền hình. Năm 1992, tác giả Joyce Maynard ra mắt tiểu thuyết To Die For dựa trên những bài báo về Pamela. Bộ phim chuyển thể To Die For do Nicole Kidman và Joaquin Phoenix đóng chính phát hành năm 1995 từng giành giải Quả Cầu Vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc.
Gia đình Pamela cho rằng truyền thông đã có tác động xấu đến bản án của cô và góp phần khiến cô không được ân xá. Hàng nghìn bài báo viết về Pamela khi vụ án được đưa ra xét xử, khắc họa cô như "công chúa băng giá", "góa phụ đen" và quá chú ý đến ngoại hình của cô. Theo Pamela, nhân vật trong tiểu thuyết và bộ phim To Die For hoàn toàn không giống cô nhưng tạo ấn tượng cho người xem rằng Pamela Smart là kẻ sát nhân xảo trá.
Trong tù, Pamela đang học để lấy bằng Tiến sĩ Mục vụ, sau khi có bằng thạc sĩ luật học tại Đại học Nam California, bằng thạc sĩ văn học Anh tại Cao đẳng Mercy. Cô là đại diện khiếu nại và cố vấn phòng chống HIV cho các bạn tù và mơ ước được làm việc cho Liên Hợp Quốc về phòng chống HIV nếu được trả tự do.
Tuệ Anh (Theo Abcnews, Washingtonpost)