4 ngày sau khi được phía Việt Nam cứu sống, những người nước ngoài gồm có 2 người Thái Lan, 2 người Lào, 37 người Myanma và 17 người Campuchia (không phải là 37 người Myanma, 20 của Campuchia và 1 người Thái Lan như thông tin ban đầu) đã có những lời khai bước đầu với cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đó, những người này khai nhận họ là ngư dân, làm thuê cho chủ tàu đánh bắt cá của Thái Lan. Sáng 3/9, họ đang làm việc trên 3 chiếc tàu thì bị tàu của lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ. Đến chiều cùng ngày, một số người bị giữ lại, còn 58 người này được phóng thích cho về trên chiếc tàu không số, đã cũ. Do không có ai là thuyền trưởng, cộng với máy móc tàu cũ nên họ cứ chạy lòng vòng trên biển. Đến buổi chiều cùng ngày, họ đã gặp tàu của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu và được đưa vào đất liền.
Các vị khách ngoại quốc đang khai báo với cơ quan chức năng VN. Ảnh: Văn Thanh.
Hiện, tình trạng sức khỏe của 58 người nước ngoài đều bình thường. Bộ đội biên phòng tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chức năng làm các thủ tục, nếu không có phát hiện gì thêm, sẽ sớm bàn giao người cho cơ quan ngoại giao các nước.
Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh, phải mất sớm nhất là 6 tháng Đại sứ quán Myanma mới làm xong các thủ tục để đưa 37 công dân của nước này hồi hương. Do đó, đại sứ quán nước này đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn ở, sinh hoạt của các công dân họ trong thời gian ở Việt Nam.
Về phía 17 người Campuchia, Đại sứ quán Campuchia cũng đề nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chở giúp người qua cửa khẩu Mộc Bài bằng xe ôtô.
Trước đó, tàu đánh cá của ông Bạch Văn Bổng (xã Phước Tĩnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã phát hiện một chiếc ghe nhỏ chở 58 người nước ngoài. Nhiều người trong số đó đang ở tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, trên chiếc ghe này không hề có phao cứu sinh, la bàn, thức ăn và nước uống.
Ông Bổng đã báo cáo vụ việc về lãnh đạo tỉnh và cùng bộ đội biên phòng tỉnh lai dắt chiếc ghe trên vào bờ.
Theo VnExpress