Sáng 28/2/1997 tại Los Angeles, California, sĩ quan kỳ cựu Loren Farrel và Martin Perello của Sở Cảnh sát Los Angeles bắt đầu ngày làm việc như mọi khi.
Khi tuần tra trên đại lộ Laurel Canyon ở North Hollywood, Farrel đột nhiên yêu cầu Perello giảm tốc độ. Anh chăm chú dõi theo chiếc xe màu trắng đang đậu cách chi nhánh Ngân hàng Mỹ vài trăm mét trước mặt họ.
"Dừng xe lại! Đằng kia, một vụ cướp, ở ngân hàng!", Farrel hét lên và ra hiệu cho đồng đội. Perello nhanh chóng nhìn theo và bắt được hình ảnh người đàn ông bước vào ngân hàng với khẩu súng.
Họ lập tức báo cáo vụ cướp và thiết lập vị trí phục kích sau xe cảnh sát như đã được đào tạo. Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận ra sự việc vượt tầm kiểm soát khi hai tên cướp được trang bị nhiều lớp áo giáp và vũ khí hạng nặng.
Họ phải đối mặt với bộ đôi nguy hiểm Larry Phillips và Emil Matasareanu.
Larry Phillips sinh năm 1970 ở California, là con của hai tội phạm bị truy nã. Bố Larry phạm tội cướp có vũ trang và vượt ngục. Ông ta dạy con bắn súng, đấu vật và làm việc phi pháp. Larry sớm tiếp bước bố, bị bắt lần đầu tháng 9/1989 vì trộm quần áo trị giá 400 USD. Năm 1992, anh ta lại bị bắt vì lừa đảo ở Denver, Colorado.
Ngoài tiền, Larry có đam mê với súng ống và thể hình. Anh ta xây dựng tình bạn với Emil tại phòng tập thể hình ở Los Angeles.
Emil sinh năm 1966 ở Romania, cùng bố mẹ chuyển đến Mỹ năm 1974. Anh ta có bằng kỹ sư tại Học viện Công nghệ DeVry và mở cửa hàng kinh doanh điện tử. Emil bắt đầu quan tâm đến súng ống sau khi được hàng xóm giới thiệu bộ sưu tập vũ khí.
Chung đam mê với tiền và súng, đôi bạn nghĩ đến việc kết hợp sở thích thành một thú vui mới - cướp có vũ trang.
Vụ cướp đầu tiên của Larry và Emil là chiếc xe bọc thép thuộc sở hữu của FirstBank ở Denver, vào ngày 20/7/1993. Bộ đôi cầm vũ khí tự động, phục kích nhân viên an ninh khi anh ta mở xe rồi dọn sạch hơn 50.000 USD.
Họ bị bắt ngày 23/10/1993. Khi bị tấp vào lề vì chạy quá tốc độ, nhân viên điều tra phát hiện họ giấu nhiều vũ khí, dụng cụ cải trang, bao gồm hai khẩu súng trường bán tự động, hai khẩu súng lục, gần 3.000 viên đạn kích cỡ khác nhau, sáu quả bom khói, hai thiết bị nổ, mặt nạ phòng độc, hai bộ áo giáp, ba biển số ôtô California.
Larry và Emil bị buộc tội âm mưu trộm cướp, sử dụng vũ khí trái phép. Tuy nhiên, các cáo buộc sau đó bị hủy bỏ do thiếu bằng chứng. Không lâu sau, bộ đôi trở lại đường phố để thực hiện vụ cướp xe tải bọc thép của một công ty vào các ngày 14/7/1995; cướp chi nhánh Ngân hàng Mỹ tại Van Nuys, Los Angeles ngày 2/5/1996..., làm nhiều người bị thương.
Cả hai luôn chuẩn bị kỹ lưỡng cho các vụ cướp, dành nhiều tuần để dò tìm mục tiêu, cố đảm bảo không có sai sót và lường trước các biện pháp an ninh. Sau nhiều tháng lên kế hoạch, Larry và Emil đến chi nhánh Ngân hàng Mỹ ở số 384 trên Đại lộ Laurel Canyone lúc 9h14 sáng 28/2/1997, trên chiếc Chevrolet Celebrity đời 1987 ăn cắp.
Camera giám sát cho thấy cả hai ngồi trong xe xem xét lại kế hoạch lần cuối, sau đó cùng uống vài viên thuốc làm giảm căng thẳng và thư giãn cơ. Hai người đội mũ trùm đầu chỉ lộ mắt, kiểm tra có bị theo dõi hay không rồi mặc áo giáp nặng 18 kg, cầm một khẩu súng lục Beretta 92 và một khẩu AK kiểu 56. Sau khi đóng cốp, bộ đôi bình tĩnh sải bước đến ngân hàng, mở cửa, đẩy một người qua đường vào bên trong cùng mình.
Ở bên ngoài, hai sĩ quan Farrel và Perello gọi tiếp viện, đồng thời cố gắng tìm vị trí tốt để phục kích khi bọn cướp chạy trốn và lặng lẽ di chuyển dân thường khỏi khu vực.
Bên trong, Larry và Emil nã 75 phát súng, tạo ra cơn khủng hoảng bao trùm ngân hàng. Sau khi bắt mọi người nằm xuống sàn, Emil dùng súng trường bắn tung ổ khóa của cánh cửa bọc thép dẫn đến quầy giao dịch viên, bắt trợ lý giám đốc ngân hàng mở khóa vào kho tiền.
Tuy nhiên, bộ đôi gặp khó khăn bởi các biện pháp an ninh của Ngân hàng Mỹ khiến thời gian bị chậm trễ. Ngân hàng giao tiền mặt với số lượng ít hơn nhiều so với trước đây, chia thành những hộp tiền nhỏ. Xe chở tiền cũng bị thay đổi thời gian đến và xen lẫn các xe rỗng để ngăn chặn cướp.
Hôm đó, chi nhánh số 384 vẫn chưa nhận được lô tiền mặt lớn nào, kho tiền ít ỏi hơn hẳn những gì đôi bạn mong đợi. Emil nổi điên bắn nát một hộp tiền.
Trợ lý giám đốc ngân hàng thu được hơn 300.000 USD cho bọn cướp, lén để vào trong túi tiền ba gói thuốc nhuộm sẽ nổ tung và khiến phần lớn số tiền bị đánh cắp trở nên vô giá trị.
Trong khi đó, hai cảnh sát Farrel và Perello di chuyển đến bãi đậu xe ở hướng nam sát ngân hàng để mong chặn đường bọn cướp sắp chạy trốn. Cảnh sát bắt đầu bao vây hiện trường, sơ tán khu vực xung quanh.
Nhìn thấy xe cảnh sát, Larry trở nên hung hãn, liên tục kiểm tra đồng hồ bấm giờ. Khi thấy Emil vác túi tiền màu đen đi ra, Larry đuổi các con tin vào kho tiền và bắt đầu tìm cách tẩu thoát.
Cảnh sát dự đoán vụ cướp có vũ trang sẽ biến thành vụ bắt giữ con tin sau khi hai tên tội phạm nhận ra bị bao vây. Tuy nhiên, lúc 9h24, Larry chọn cách xông thẳng qua cánh cửa hướng bắc của sảnh ATM. Hắn đối đầu với một xe tuần tra cách đó 60 m và nổ súng làm bị thương 7 sĩ quan và 3 dân thường.
Bộ đôi giao chiến với các sĩ quan từ hai hướng bắc và nam. Cảnh sát bị áp chế hoàn toàn vì chỉ được trang bị vũ khí cơ bản là súng lục bán tự động và súng ngắn 12 ly, không thể xuyên thủng áo giáp của hai tên cướp. Hầu hết súng lục của họ có tầm bắn không đủ và độ chính xác kém ở khoảng cách xa. Một số sĩ quan đã mua được 5 khẩu súng trường kiểu AR-15 từ một cửa hàng súng gần đó để chống lại bọn cướp.
Tuy nhiên, nhờ lợi thế vị trí và tận dụng vật chắn, các sĩ quan bắn nhiều phát đạn về phía Larry. Khi Emil lái xe ra, Larry đã bị trúng đạn vào cổ tay trái, khẩu súng trường bị phá hỏng khiến hắn phải vứt bỏ, lấy một khẩu HK-91 từ thùng xe. Emil cũng bị trúng bốn phát đạn.
18 phút sau tiếng súng đầu tiên, đội SWAT đến hiện trường. Họ được trang bị súng trường AR-15 và áo giáp, dùng xe bọc thép di chuyển dân thường và sĩ quan bị thương.
Lúc 9h52, Larry rẽ về phía đông xuống phố Archwood, tiếp tục đấu súng với cảnh sát bất chấp bị thương nặng, trong khi Emil lái chiếc xe thủng ba lốp rời đi. Sau khi đổi bốn khẩu súng trường và một khẩu súng lục, Larry bị bắn vào tay phải làm rơi súng. Như thể nhận ra kết cục của mình, hắn nhặt súng lên, đặt dưới cằm và bóp cò.
Lúc 9h56, Emil cướp một chiếc Ford Tempo trên đường, nhưng không thể khởi động do tài xế đã ấn công tắc dừng khẩn cấp trước khi bị buộc ra khỏi xe. Hắn quay lại nấp sau xe cũ, giao tranh với cảnh sát trong hai phút rưỡi và giơ tay đầu hàng sau khi bị bắn trúng cẳng chân.
Emil bị cảnh sát khống chế, còng tay. Hắn chết trước khi xe cứu thương được phép đến hiện trường gần 70 phút sau đó. Các báo cáo cho thấy Emil bị bắn 29 phát vào chân và chết do mất máu quá nhiều từ hai vết đạn ở đùi trái. Larry bị bắn 11 phát, bao gồm vết thương do súng tự bắn vào cằm.
Hầu hết vụ đấu súng, bao gồm cái chết của Larry và sự đầu hàng của Emil, được phát trực tiếp bằng máy bay trực thăng đưa tin. Hơn 300 nhân viên thực thi pháp luật từ các lực lượng trên toàn thành phố tham gia vụ đấu súng. Thời điểm ngừng bắn, Larry và Emil đã bắn khoảng 1.100 viên đạn, trung bình cứ hai giây một viên, trong khi cảnh sát bắn khoảng 650 viên đạn. Tổng cộng 12 cảnh sát và 8 dân thường bị thương.
Cuộc đấu súng North Hollywood góp phần thúc đẩy việc trang bị súng trường bán tự động cho sĩ quan cảnh sát cấp cao ở Los Angeles và trên toàn nước Mỹ. Sự kém hiệu quả của súng lục và súng ngắn tiêu chuẩn của cảnh sát chỉ ra nhu cầu trang bị hỏa lực mạnh hơn cho cảnh sát tuần tra, không chỉ các đội SWAT.
Bảy tháng sau vụ đấu súng, Bộ Quốc phòng trao 600 khẩu súng trường M16 cho Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD) để cấp cho mỗi trung sĩ tuần tra. Các phương tiện tuần tra của LAPD được lắp cửa chống đạn và mang theo AR-15. Các sĩ quan được phép mang súng ngắn bán tự động cỡ nòng 45 ACP làm vũ khí phụ.
Năm 1998, 18 sĩ quan của LAPD được trao huân chương và gặp Tổng thống Bill Clinton.
Cuộc đấu súng North Hollywood được thể hiện qua bộ phim 44 Minutes: The North Hollywood Shoot-Out (2003). Năm 2004, Bảo tàng Cảnh sát Los Angeles ở Công viên Highland mở cuộc triển lãm với hai hình nộm kích thước người thật của Larry và Emil được trang bị áo giáp và trang phục tương tự cùng vũ khí bộ đôi sử dụng.
Tuệ Anh (Theo CNN, National Geographic)