Cuối năm ngoái, hơn 1.000 công nhân may Công ty TNHH Nobland Việt Nam tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12) ngừng việc phản đối nhà máy chuyển từ trả lương thời gian sang sản phẩm. Trong khi người lao động cho rằng cách trả mới khiến họ chịu thiệt do bị mất lương thâm niên thì phía nhà máy giải thích "không còn cách nào khác, phải thay đổi để tồn tại".
Ông Im Won Tae, Phó tổng giám đốc Công ty Nobland, nói năm 2002, khi đầu tư vào Việt Nam doanh nghiệp xây dựng quy chế trả lương thời gian, mỗi năm tăng 5-10%. Những công nhân gắn bó từ ngày đầu đến nay đã đạt mức lương trên 10 triệu đồng. Trong khi đó, suốt 10 năm đơn giá sản phẩm mà khách hàng ký với doanh nghiệp chỉ tăng tổng cộng 5%. Một trong hai nhà máy đã đóng cửa vì không chịu nổi áp lực tài chính.
Công nhân nhà máy Nobland trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương
Chi phí nhân công tăng trong khi đơn giá gia công gần như đứng yên không chỉ là câu chuyện của nhà máy Nobland. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, cho rằng nhiều năm qua khách hàng gần như không tăng đơn giá. Nếu doanh nghiệp đề xuất tăng, các nhãn hàng sẽ tìm đối tác khác hoặc chuyển đơn hàng tới những nước giá nhân công rẻ hơn.
10 năm qua, giá gia công một đôi giày tăng chưa đến 5%, trong khi lương tối thiểu vùng I (áp dụng cho TP HCM, Hà Nội...) năm 2010 là 980.000 đồng và tăng lên 4,42 triệu đồng vào năm 2020, tức tăng hơn 450%. Thực tế, hơn 90% các nhà máy trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng 7-10%. Ngoài ra, thu nhập của công nhân còn có các khoản phụ cấp như nhà ở, đi lại, nuôi con nhỏ, chuyên cần...
"Các nhà máy xoay xở đủ cách để có đơn hàng, đảm bảo công việc, tiền lương cho người lao động, có chút lợi nhuận tái đầu tư", bà Xuân nói. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2016 đến 2021 tăng tổng cộng gần 18%, phần nào khiến lương của người lao động không đủ chi tiêu.
"Nhà máy nào cũng muốn tăng lương để giữ lao động nhưng sức có hạn, nhiều chi phí tăng quá nhanh", lãnh đạo một công ty may quy mô 16.000 lao động có nhà máy rải từ Tuyên Quang đến Long An chia sẻ. So với năm 2020, chi phí vận chuyển năm 2021 tăng trung bình 19%, con số này so với năm 2019 là 38%. Cước vận tải biển đi Mỹ, châu Âu tăng lên 4-5 lần so với trước dịch...
Ngoài ra, xăng dầu, điện nước, giá cả thực phẩm trong nước tăng nhanh khiến doanh nghiệp gặp khó khăn để tạo nguồn, tăng lương cho lao động. Vị này ví dụ ngay sau Tết, nhà máy nhận thông tin từ tháng 4, mỗi suất ăn ở xưởng sản xuất đặt tại TP Thủ Đức tăng 2.000 đồng do giá thực phẩm lên cao. Với 1.800 công nhân, riêng tiền ăn ca, chi phí năm nay đội lên hơn một tỷ đồng.
Nhà máy Samho (Củ Chi, TP HCM) tuyển dụng với thu nhập cho công nhân mới 6-8 triệu đồng/tháng. Ảnh: An Phương
Lương tối thiểu thấp cũng ảnh hưởng thu nhập người lao động. Giai đoạn 2009-2020, nhà nước liên tục điều chỉnh lương song chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu người lao động. Chưa kể với lý do dịch bệnh, hai năm qua lương tối thiểu không được điều chỉnh. Từ năm 2020 đến nay, lương tối thiểu cao nhất áp dụng cho vùng I ở mức 4,42 triệu đồng, thấp nhất vùng IV là 3,07 triệu đồng.
Từ cơ sở này, các nhà máy xây dựng lương cơ bản và thường sẽ bám rất sát mức lương tối thiểu vùng, chỉ cao hơn 5-10%. Thu nhập từ tăng ca, thưởng Tết, chi trả chế độ ốm đau... đều căn cứ mức lương này. Trong khi đó Covid-19 xuất hiện, người lao động phải chi nhiều hơn cho y tế nhưng việc tăng lương bị trì hoãn càng khiến đời sống công nhân khó khăn.
TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho rằng thu nhập của công nhân còn thấp bởi hầu hết khi xin việc không có điều kiện, năng lực để thương lượng tiền lương, phúc lợi cho mình. "Doanh nghiệp đặt ra mức lương căn bản với một số phụ cấp, người lao động chấp nhận thì làm chứ gần như không có cơ hội mặc cả", ông Tiến nói.
Ngoài ra, các hiệp hội doanh nghiệp cùng ngành nghề có "thỏa thuận ngầm" về mức lương, chế độ chi trả cho người lao động. Điều này khiến mức lương mất tính cạnh tranh, công nhân thiệt thòi vì ít sự lựa chọn để tìm công việc mới. "Hiện có tình trạng một số nhà máy tranh nhau chào hàng giá thấp nhất nhưng vẫn lời vì đã siết chặt mức chi trả cho người lao động", ông Tiến nói.
Người lao động dùng phiếu quà tặng của công đoàn mua sắm tại phiên chợ công nhân dịp Tết Nhâm Dần. Ảnh: An Phương
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông IPS, cho rằng tiền lương của công nhân khó đủ sống do phải chi nhiều hơn cho nhà ở, y tế, giáo dục, điện nước... Hiện, đa phần công nhân ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương là người nhập cư, không có chỗ ở cố định, các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đến được nhóm này.
Khảo sát của viện này, công nhân phải chi 15-20% thu nhập để thuê phòng trọ; tiền điện, nước thường cao hơn 2-3 lần so với quy định. Tăng ca thường xuyên, giờ giấc làm việc khắt khe, công nhân phải gửi con nhỏ ở trường tư với giá cao do trường công gần như không có hoặc quá tải. "Thu nhập đã thấp trong khi nhiều khoản phải lo khiến người lao động thêm khó khăn", ông Đồng nói.
Lê Tuyết