Ba năm với nỗi đau thể xác…
Đã 3 năm nay, cả khu phố Bích Đào, phường Ninh Sơn, TP Ninh Bình đã quá quen với cuộc sống “cơm không lành, canh chẳng ngọt” của gia đình ông Phạm Hồng Khoa. Không hiểu vì duyên cớ gì mà thỉnh thoảng ông Khoa lại bị vợ và các con lôi ra đánh đập, hành hạ.
Sau trận đòn định mệnh tối ngày 8/2/2011, vợ và ba người con đã dọn dẹp đồ đạc và bỏ lại ông cùng ngôi nhà trống hoác.
Ba năm trước, gia đình ông là niềm mơ ước của không ít người… Ba cô con gái học đại học, hai trong ba cô đã ra trường và có công việc ổn định. Gia đình không thuộc dạng giàu có nhưng chỉ thế thôi cũng khiến ông hãnh diện với họ hàng và ba con lối xóm.
Nhưng đã nhiều ngày nay ông Khoa tự giam mình trong nhà, bầu bạn với chai rượu và "nhấm" những gì mình đã trải qua. Ông còn nhớ như in những ngày cơ cực, bốc than nuôi con ăn học. Bù lại sự vất vả đó, lần lượt ba đứa con gái ông bước chân vào cổng trường đại học… Những ký ức đẹp ùa đến rồi nhanh chóng bị dập tắt bởi những ám ảnh kinh hoàng mà vợ con ông đã mang đến.
Cái ao nơi ông Khoa bị vợ con lôi ra dìm
Ông Phạm Hồng Nga, người anh ruột thứ hai của ông Khoa cho biết: “Chú Khoa nhà tôi khổ lắm, thỉnh thoảng lại bị vợ con lôi ra hành hạ. Lắm lúc nghĩ cũng giận vì chú Khoa không dạy được vợ con. Làm thằng đàn ông mà hèn quá!”.
Ông Nga kể tiếp: “Tức thì tức thật nhưng không đành lòng nhìn em mình bị đánh đập. Có lần chú ấy còn bị vợ con lôi ra ao dìm tưởng chừng như chết”. “Tôi không thể tưởng tượng được cảnh con gái mang bố xuống ao dìm cho sặc nước. Hôm đó chú Khoa quần áo rách tả tơi, người tím bầm hết” – ông Phạm Quốc Đạt (người chứng kiến vụ việc) chia sẻ.
Trái hẳn với tính điềm tĩnh của người anh trai là bà Phạm Thị Ngò (chị gái ông Khoa), cả cuộc nói chuyện cứ lan man, bà Ngò chẳng thể nói được gì ngoài những cái gạt nước mắt vội vã.
Bà Ngò là chị gái cũng là người hàng xóm gần nhất của gia đình ông Khoa, chính bà đã chứng kiến tất cả những lần em mình bị vợ con đánh đập. “Nói ra thì xấu hổ, vì lôi chuyện riêng của gia đình mình. Tôi không thể nhớ được em tôi bị vợ con lôi ra đánh đập bao nhiêu lần. Phận đàn bà còn biết làm gì, chỉ biết nhìn em bị đánh mà rơi nước mắt rồi gào thét kêu cứu hàng xóm, anh em” - bà Ngò nói trong nước mắt.
Bà Phạm Thị Ngò còn nhớ như in trận đòn gần đây nhất mà ông Khoa gánh chịu, bà kể: “Lúc tôi thấy tiếng em kêu, biết là lại bị vợ con đánh, tôi liền chạy sang nhưng chẳng làm được gì vì cổng đã khoá chặt. Tôi nhìn cảnh em tôi bị đánh mà rơi nước mắt".
Ông Khoa
Một hàng xóm (xin được giấu tên) cho biết: Trong lúc hô hoán có rất nhiều anh em và hàng xóm đến ứng cứu ông Khoa nhưng đã bị 2 cô con gái cầm dao sắc nhọn canh ngoài cổng không cho ai vào và sẵn sàng "chiến đấu" với những ai có ý định cứu ông Khoa. Mới mồng 6 tết (8/2/2011 dương lịch), mọi gia đình vẫn còn ấm áp với không khí xuân mới thì ông Khoa phải hứng chịu trận đòn nhừ tử.
Buổi chiều hôm đó, ông sang nhà anh rể uống rượu về thì được vợ và các con đưa cho chai rượu mời uống. Như cảm nhận được điều chẳng lành, vì đã lâu lắm rồi ông không được vợ con đối xử tốt như thế. Trong lúc còn hoài nghi thì vợ và các con có mang một tờ giấy bắt ông Khoa ký. Ông nhất định không ký vì chưa biết đây là giấy gì. Trong lúc cưỡng lại, vợ con ông luôn miệng nói: Ký thì sống mà không ký thì chết. Chỉ vì kiên quyết không ký nên ông Khoa đã bị vợ dúi vào tường, chửi bới và hô hai con lao vào đánh bố. Càng kêu cứu thì các con càng đánh mạnh, các con ông đấm mạnh vào mặt và bụng khiến ông hộc cả máu mồm máu mũi.
Bà Phạm Thị Ngò (người chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc) chưa hết bàng hoàng kể lại: “Lúc Khoa kêu cứu thì đứa con gái tát vào mặt ông ý. Vợ ngồi lên đùi, con gái đè lên đầu ghì chặt rồi cứ thế đấm túi bụi vào bụng khiến em tôi chảy cả máu mồm máu mũi”. Bà dàn dụa kể tiếp: “Khi em tôi kêu cứu thì bị con gái bóp cổ không cho kêu. Tôi lao ra cổng kêu gào thì bị con gái của Khoa ra chửi thề: Việc nhà tôi, tôi tự giải quyết”.
Cùng chung sự phẫn nộ là ông Phạm Quốc Đạt kể lại: “Khi mẹ con bà Thuý (vợ ông Khoa) thấy có quá đông người đến ứng cứu ông Khoa. Họ đã đưa ông Khoa vào trong nhà và đóng cửa lại”. Sự việc ông Khoa bị vợ con đánh đập tàn nhẫn vào chiều tối ngày 8/2/2011 khiến cả khu phố chứng kiến đều cảm thấy bức xúc. Tuy nhiên, không ai có thể vào giải cứu ông Khoa vì cổng đã bị khóa chặt. Ông Khoa chỉ được cứu khi có công an phường Ninh Sơn, TP Ninh Bình đến giải quyết.
Nỗi đau tinh thần
Tất cả những trận “bão đòn” mà ông Phạm Hồng Khoa đã chịu đựng suốt ba năm có thể liền lại. Nhưng nỗi đau tinh thần mà vợ con gây ra với ông thì chẳng bao giờ lành được. Ngồi thu lu trong căn nhà trống hoác, ông Khoa lờ đời nói: “Có mấy cái điều hòa họ tháo hết rồi, cả bát đũa nồi xong cũng mang đi tất. Từ ngày họ đi không hề liên lạc gì với tôi nữa”.
Trong lúc bối rối, ông Phạm Hồng Ngân (anh trai cả của ông Khoa) như đỡ lời cho em trai mình: “Chú Khoa khổ lắm, mấy năm nay chú ý khóc suốt. Gần như đêm nào cũng khóc, đễn nỗi mắt không nhắm lại được. Tôi cũng chỉ biết động viên chú là cố gắng vượt qua những nỗi đau này”.
Ông Ngân chưa kịp dứt lời, bà Ngò nói thêm: “Cứ thế này, chú Khoa chán đời uống rượu càng nhiều, có khi đâm ra lẩn thẩn”. Theo như lời một số anh chị em ông Khoa, nguyên nhân dẫn đến việc ông bị vợ con hành hung là do chuyện nợ nần mà vợ ông dính phải. Mâu thuẫn gia đình ngày một nảy sinh, điều đặc biệt là tất cả các con đều đứng về phía mẹ.
Ông Trần Hoài Ngọc, Trưởng công an phường Ninh Sơn, TP Ninh Bình cho biết, sự việc ông Phạm Đình Khoa bị vợ và con hành hung là có thật. Tối ngày 8/2/2011, sau khi được người dân báo, công an phường có xuống giải quyết vụ việc.
Hiện nay, hồ sơ vụ việc đã gửi lên Công an Thành phố Ninh Bình giải quyết. Trao đổi với ông Đinh Xuân Hoà, Chủ tịch phường Ninh Sơn (TP Ninh Bình), ông cho biết, cuộc sống vợ chồng của ông Khoa đã có vấn đề vài năm nay. Liên tục có những cuộc cãi vã xảy ra giữa hai vợ chồng và các con. Còn việc ai đúng ai sai phải chờ cơ quan công an điều tra làm rõ.