Theo ông Khang, hiện sách in theo giá mới đã về các địa phương để các em học hè nên khó có thể 'lấy lại' được giá cũ. Các loại sách in năm 2007 trở về trước, do không chịu biến động nên vẫn giữ mức giá trước đây.
Lý giải về việc điều chỉnh giá, Phó tổng giám đốc Nguyễn Minh Khang cho biết, ngày 26/3, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng có văn bản cho phép NXB Giáo dục được tăng giá sách. Do vậy, quyết định này có trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh không tăng giá các mặt hàng.
Tuy nhiên, ngày 6/5, tại buổi làm việc với đại diện NXB Giáo dục, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã đề nghị đơn vị này cùng với Vụ Kế hoạch Tài chính xem xét việc cân đối nguồn tài chính nhằm giảm lỗ cho việc in sách. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Thủ tướng xem xét lại vấn đề này. Dù phía Bộ GD&ĐT cho biết, trước ngày 11/5 sẽ có quyết định về việc có nên tăng giá sách, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin nào về vấn đề này.
Theo khảo sát của VnExpress hầu hết trong số hàng chục đầu sách tăng giá đều được in xong và nộp lưu chiểu trước tháng 3/2008, tức sau thời điểm NXB Giáo dục được phép tăng giá.
Không nhất trí với việc tăng giá sách vào thời điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng, việc tăng giá sách sẽ tác động thêm vào khó khăn của người dân, có thể số em nghỉ học nhiều thêm.
Năm học 2008-2009, NXB Giáo dục sản xuất 90 triệu bản sách giáo khoa. Tính trung bình, nếu mỗi cuốn sách tăng 500 đồng thì số tiền người dân phải bỏ thêm ra lên tới 45 tỷ đồng. Trong khi, NXB Giáo dục cho biết sẽ chi 3,5 tỷ đồng để mua sách cũ phục vụ học sinh vùng sâu vùng xa, học sinh nghèo... và tặng phiếu ưu đãi 10% cho học sinh gia đình chính sách, học sinh nghèo...
Theo VnExpress