Dự án được chia 9 phần để triển khai từng bước. Trong cuộc họp hôm 22/5 với các sở ngành TP HCM để lấy ý kiến, Ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị thành phố đưa ra kế hoạch sẽ khởi công trước các hạng mục nhằm cải thiện hệ thống cấp thoát nước cho 7 quận huyện. Các phần khác sẽ thực hiện dần.
Dự kiến bắt tay triển khai dự án vào tháng 9 năm sau, 77 triệu USD (tương đương 1.250 tỷ đồng) sẽ được rót riêng cho việc nghiên cứu, thi công và hoàn thành vào tháng 12/2011.
Theo thiết kế, thành phần 5, 6 sẽ xây dựng hệ thống cấp thoát nước cấp 2, 3 ngoài lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm do liên danh Công ty tư vấn Angkasa SDN.BHD (Malaysia) và Công ty phát triển Hạ tầng Thăng Long thực hiện.
Hai đoạn này sẽ đi qua các quận huyện 4, 8, 9, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân, với tổng chiều dài là 38 km. Ước tính có 13.000 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng do việc thi công công trình, chưa kể người đi đường.
Hệ thống thoát nước cũ kỹ là một trong nguyên nhân khiến thành phố cứ hễ mưa là ngập. Ảnh: Kiên Cường |
Hiện nay, tại khu vực 7 quận này, các tuyến đường thường xuyên bị ngập úng nặng, tình trạng vệ sinh môi trường không được đảm bảo. Đây cũng là nơi có nhiều khu dân cư thu nhập thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu và không đồng bộ. Điều kiện môi trường xuống cấp, nhiều nơi nước không tiêu thoát được do chưa có hệ thống thoát nước, hoặc có nhưng đến nay không đủ năng lực tiêu thoát, khu vực sống của dân cư trong vùng luôn bị úng nặng. Vì vậy việc nâng cấp hệ thống cấp thoát nước cũ kỹ, xuống cấp là yêu cầu bức thiết.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, kinh tế thì dự án cũng cần có nhiều điều chỉnh để được hoàn thiện, tránh kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt của đông đảo người dân thành phố.
Đại biểu Phan Anh Tuấn, Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật thành phố lo ngại khả năng chồng chéo giữa dự án này vpứo các dự án chống ngập đang triển khai trên địa bàn không.
Ông Hồ Long Phi thuộc Ban điều phối thoát nước chống ngập TP HCM đặt câu hỏi: "Ô nhiễm có được cải thiện hay nước chỉ đổ từ lưu vực này sang lưu vực khác?".
Dự án Nâng cấp đô thị ở thành phần 5, 6 đưa ra dự báo là sau khi hoàn thành, một số nơi trên địa bàn 7 quận sẽ bị ngập sâu 15 cm trong vòng 30 phút trời mưa.
Tuy nhiên theo ông Dư Phước Tân thuộc Viện Kinh tế TP HCM, thông số này đáng phải cảnh báo vì khác hoàn toàn với thông số chuẩn xác định ngập của Công ty thoát nước đô thị. Theo đó, chuẩn của Công ty thoát nước đô thị quy định mức nước ngập sau mưa chỉ thấp hơn 10 cm trong vòng một tiếng đồng hồ.
"Như vậy phải xem lại tính hiệu quả dự án là cải thiện tình trạng ngập, như mục tiêu triển khai", ông Tân nhấn mạnh.
Dự án nâng cấp đô thị TP HCM gồm 9 thành phần đi qua 14 quận nhằm cải thiện điều kiện môi trường sống cho người nghèo bằng các công trình cấp thoát nước, giao thông. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2012.
Những phương án kỹ thuật đề xuất trong dự án chủ yếu là xây mới hệ thống thoát nước cấp 2, 3, bằng cách đặt mới cống tròn đường kính trên 800 mm hoặc các loại cống hộp dọc theo tuyến đường hiện trạng chưa có hệ thống hạ tầng đầy đủ. Đồng thời bổ sung thêm những phương án kỹ thuật hỗ trợ cho hệ thống hiện hữu như mở thêm nhánh xả, lắp đặt trạm bơm, đặt cửa van ngăn triều...
Cụ thể, trên địa bàn 7 quận sẽ lắp đặt các cống thoát nước. Hệ thống đường ống nước mới sau khi được lắp đặt sẽ phục vụ cho nhu cầu nước ăn uống sinh hoạt của người dân trong khu vực diện tích 30,8 ha. Theo tính toán, nhu cầu dùng nước trong khu vực này đến năm 2020 là 2.300 m3 mỗi đầu người, đến năm 2025 mỗi người cần 2.800 m3.
Dựa vào những đặc trưng về kinh tế - xã hội - môi trường, dự án phân chia các quận thuộc địa bàn triển khai thành 2 nhóm chính. Nhóm 1 gồm các khu nông thôn mới đô thị hóa, mật độ dân cư trung bình với hệ thống hạ tầng chưa hoàn chỉnh như quận 9, Thủ Đức, quận 12. Nhóm còn lại là những khu vực đô thị có hạ tầng từ lâu đã xuống cấp hoặc thiếu đồng bộ đã trở nên lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu thoát nước hiện tại như quận Bình Tân, 4, 8, Gò Vấp.
Tính đến cuối tháng 5, TP HCM đã có 105 công trình đào đường đang hoạt động.
Theo VnExpress