Quy hoạch làm cơ sở cho việc nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam với điểm đầu từ ga Hà Nội đến ga Hòa Hưng (TP HCM) đạt tiêu chuẩn đường sắt từ cấp I đến cấp II, nâng vận tốc chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h với tàu khách và 50 - 60 km/h với tàu hàng.
Cụ thể, từ nay đến năm 2020, Cục Đường sắt đề xuất đầu tư vào một số dự án hạ tầng và mua sắm thiết bị để nâng cấp tốc độ và năng lực vận tải hành khách đạt 15 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng/năm; năng lực thông qua đạt tối thiểu khoảng 25 đôi tàu/ngày đêm.
Đường sắt Bắc Nam hiện có tốc độ chạy tàu khoảng 50 km/h. Ảnh: Bá Đô. |
Trong giai đoạn này, ngành đường sắt sẽ cải tạo, nâng cấp tại các khu gian, xây dựng hầm Khe Nét, hầm Hải Vân, di dời ga Đà Nẵng ra khỏi thành phố; cải tạo lại bán kính đường cong nhỏ tại 91 điểm; nâng cấp đường cũ trên cơ sở giữ nguyên bình diện; cải tạo cầu yếu...
Sau năm 2020, ngành sẽ tiếp tục đầu tư để đạt mục tiêu tốc độ bình quân đoàn tàu khách đạt 90 km/h, tàu hàng đạt 60 km/h với năng lực vận tải hành khách đạt 16 triệu khách/năm và 6 triệu tấn hàng/năm; năng lực thông qua đạt tối thiểu 25 đôi tàu/ngày đêm.
Ngành đường sắt dự kiến xây dựng một loạt tuyến nhánh kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch như: cảng Vũng Áng, Chân Mây, Nhơn Hội, Vân Phong và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Lộc Ninh... Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn từ 8,919 tỷ USD đến 10,232 tỷ USD.
Để đảm bảo tính khả thi, Cục Đường sắt đề xuất phân kỳ thực hiện theo 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn I (từ nay đến năm 2015), thực hiện các dự án hiện có với số vốn 580 triệu USD. Giai đoạn II, dồn vốn ưu tiên cho một số dự án xóa nút cổ chai để đảm bảo an toàn chạy tàu và đầu tư các dự án cho 2 khu đoạn có khối lượng vận tải lớn: Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn với tổng kinh phí ước khoảng 5,7 tỷ USD.
Giai đoạn III, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị tiếp tục đầu tư các dự án bổ sung để đạt các mục tiêu quy hoạch.
Theo lãnh đạo Cục Đường sắt, dự kiến các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu, ODA , BOT hoặc BT từ các tổ chức doanh nghiệp tư nhân kinh doanh khai thác vận tải sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án nói trên.
Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 18/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện tái cơ cấu ngành đường sắt để nâng sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa, giảm tải cho đường bộ và giảm chi phí vận tải.
Mục tiêu tuyến đường sắt Bắc - Nam cũ sẽ được cải tạo nâng công suất lên 80 - 90 km/h và song song xây dựng một tuyến đường sắt khổ đôi tốc độ xấp xỉ 200 km/h, để "hành khách có thể sáng ăn phở Hà Nội, tối uống cà phê ở TP HCM". Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn tuyến Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang để nghiên cứu đầu tư trước.
Đoàn Loan