10 năm 'làm dâu Hà Nội' của cộng đồng người Mường

 Bà Nhận, 77 tuổi, đi chơi Thủ đô lần đầu tiên trong đời tháng 10 năm 2016. Cả đời bà chỉ ước ao được đi thăm lăng Bác Hồ, nhưng khoảng cách 50 km từ thôn Hương, xã Yên Trung (tỉnh Hoà Bình) đến trung tâm Hà Nội với bà từng là một quãng đường gian truân vì đường sá ngày xưa xấu, “đi xe đạp phải dắt, nên chỉ đi bộ thôi”.

 “Ngày xưa” của bà là thời điểm 200 người dân thôn này chung nhau xem Chiếc nón kỳ diệu bằng chiếc TV đen trắng chạy ắc quy vì chưa có điện về làng. Đó cũng là những ngày quảy gánh sả, gánh ngô đi bộ ra ngoài “đường to” bán dạo vì không có loại phương tiện nào đi được trên con đường bùn sình, khấp khểnh đá.

Bà Nhận đã đặt chân đến quảng trường Ba Đình sau 8 năm làm công dân thủ đô. Ảnh: Ngọc Thành.

Bà Nhận đã đặt chân đến quảng trường Ba Đình sau 8 năm làm công dân thủ đô. Ảnh: Ngọc Thành.

Hơn 20 nghìn người dân bốn xã Yên Trung, Tiến Xuân, Yên Bình, Đông Xuân cũng có những câu chuyện “ngày xưa” tương tự, chỉ cách “ngày nay” có 10 năm, trước khi trở thành một phần thủ đô sau mở rộng.

“Người Mường ở đây không còn phải bán cồng bán chiêng lấy tiền mua gạo ăn như trước nữa”, ông Đinh Công Long, chủ tịch xã Tiến Xuân bộc bạch.

Những ước mơ giản dị

Mỗi sáng thứ tư, khoảng sân trước cửa trạm Y tế xã Tiến Xuân đông đúc hơn ngày thường. Đã 10 năm nay, những đứa trẻ Tiến Xuân sinh giữa tháng không còn phải đợi cả tháng để đến ngày tiêm chủng những vắcxin cơ bản như trước. Việc tiêm chủng đã được tổ chức hằng tuần.

Những gia đình có trẻ nhỏ và sản phụ nhận được giấy mời tiêm vắcxin qua tin nhắn điện thoại. Cuối buổi tiêm, số vắcxin còn dư sẽ được bảo quản tại chỗ bởi tủ đá chuyên dụng.

“Số hóa” việc phát giấy mời hay được trang bị máy siêu âm, máy xét nghiệm và tủ bảo quản vắcxin hiện đại là điều bác sĩ trưởng trạm Trần Văn Long chưa bao giờ mơ tới trước ngày “về với Hà Nội”.

Trạm y tế xã Tiến Xuân khang trang, sạch đẹp và đủ trang thiết bị để sơ khám cho hàng nghìn lượt người mỗi năm. Ảnh: Ngọc Thành.

Trạm y tế xã Tiến Xuân khang trang, sạch đẹp và đủ trang thiết bị để sơ khám cho hàng nghìn lượt người mỗi năm. Ảnh: Ngọc Thành.

Ông kể lại, trước đây, vào ngày tiêm chủng, cán bộ y tế của trạm phải dậy sớm lên Lương Sơn lấy thuốc, đựng trong phích mượn của Trung tâm Y tế dự phòng rồi đến chiều lại lên trả phích và vắcxin còn thừa. Hai mươi cây số đường hồi ấy đi xe máy mất hơn một tiếng đồng hồ.

Với 34 km2 diện tích tự nhiên và hơn 8.000 người, Tiến Xuân là xã có diện tích và dân số lớn nhất trong số bốn xã của tỉnh Hòa Bình được sáp nhập về Hà Nội. Nhưng thời còn ở Hòa Bình, số lượt người đi khám tại trạm y tế xã hàng năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người dân đã quen với việc tự chữa bệnh bằng mẹo hay các loại lá thuốc mọc dại vì đi lại quá khó khăn và trang thiết bị khám chữa bệnh nghèo nàn.

Năm 2011, khi hơn 100 km đường liên thôn, xã được bê tông hóa, trạm y tế xã được trang bị cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia, người dân bắt đầu tìm đến đây nhiều hơn. Năm 2017, ở địa phương này có hơn 6.000 lượt người được khám chữa bệnh. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của xã cũng đạt trên 80%.

Anh Bùi Văn Thao, trưởng đài truyền thanh xã Tiến Xuân, mở cửa căn nhà quét vôi trắng đối diện UBND xã, khoe “cơ ngơi” 1,7 tỷ được thành phố đầu tư cho xã năm 2010. Đài truyền thanh xã Tiến Xuân có 4 máy tăng âm 2000W, 1 laptop, 1 máy ảnh chuyên nghiệp, 2 máy ghi âm và 1 phòng thu âm được lắp điều hòa nhiệt độ. Cũng giống như bác sĩ trưởng trạm y tế, 10 năm trước, anh Thao cũng không dám mơ về sự khang trang này. Từ phòng thu, bản tin của anh sẽ theo 42 km đường dây truyền dẫn tới 164 loa phát thanh của 18 thôn.

Anh Thao trong phòng truyền thanh xã Tiến Trung. Ảnh: Ngọc Thành.

Anh Thao trong phòng truyền thanh xã Tiến Trung. Ảnh: Ngọc Thành.

Trước khi có hạ tầng như hôm nay, mỗi lần có tin, anh đều phải đi từng làng, gặp các trưởng thôn nhờ họ thông báo với người dân thôn mình. “Bây giờ chẳng hạn có cháy, chỉ cần vào phòng thu đọc thông báo là 8.000 dân sẽ nghe thấy”, anh hào hứng kể lại. Tất cả các cuộc họp Hội đồng Nhân dân địa phương đều được tường thuật trực tiếp công khai. “Người dân đợi nghe loa phát thanh không khác gì đợi xem chương trình thời sự lúc 7h tối”.

Với anh Thao, thời điểm sáp nhập về thủ đô cũng như việc người con gái Mường xuống dưới xuôi đi lấy chồng xa, háo hức có mà tiếc nuối cũng có. Anh từng cảm thấy áp lực với cường độ làm việc theo “phong cách thủ đô” và những máy móc, kỹ thuật mới anh phải sử dụng, “nhưng rồi mãi cũng thấy quen, thấy thích”.

Và những trăn trở

Mười năm trước, cũng như cô gái Mường nghèo về xuôi lấy chồng không hồi môn, 4 xã của tỉnh Hòa Bình về với Hà Nội, hành trang mang theo chỉ là cái danh “nơi nghèo nhất thủ đô”.

Tại Tiến Xuân, sau 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% xuống chỉ còn hơn 2%. Từ địa phương dựa chủ yếu vào nông lâm nghiệp, nay trong cơ cấu kinh tế xã, ngành này chỉ còn chiếm 50%. Nhà nhà có điện, có xe máy, ti vi. Trẻ em có thêm những lớp học có mái xi măng, có đèn, có quạt.

Ông Thịnh, thôn Hội không phải ngủ đêm ngoài đồng đợi nước về mương, để lấy gầu sòng tát về ruộng nhà mình như trước. Hệ thống thủy lợi Yên Trung đã được hiện đại hóa chục năm nay. Bà Nhận không còn phải quảy quang gánh đi bán hàng ngoài “đường to”. Thương lái bây giờ đánh xe vào tận sân nhà bà mua sả, mua ngô, mua cá, mua gà. Đường thôn Hương - điểm cực Tây của Thủ đô, được bê tông hóa từ năm 2009.

Chị Đào thôn Bãi Dài đã không quanh quẩn ra Xuân Mai hay xuống Sơn Tây sắm Tết mà đi xe buýt vào hẳn trung tâm Hà Nội. Chị bảo, chưa bao giờ nghĩ được có thể “xuống Hà Nội” dễ dàng như thế.

Nhưng chủ tịch xã Tiến Xuân, dù lạc quan, vẫn còn nhiều trăn trở về mảnh đất mình đang sống. Địa hình xa xôi là thứ không thể thay đổi. Trình độ dân trí vẫn thấp và đời sống còn khó khăn, hướng phát triển kinh tế chưa bền vững.

Nông dân xã Yên Trung đã có phương tiện cơ giới hoá. Ảnh: Ngọc Thành.

Nông dân xã Yên Trung đã có phương tiện cơ giới hoá. Ảnh: Ngọc Thành.

Năm 2008, tiến trình sáp nhập về thủ đô đi kèm với siêu đô thị Tiến Xuân. Ngay trước ngày “về Hà Nội”, 1.200 hecta của xã Tiến Xuân và Đông Xuân được UBND tỉnh Hòa Bình thu hồi giao cho chủ đầu tư Sudico để làm một trong những khu đô thị lớn nhất miền Bắc. Nhưng cũng như số phận của rất nhiều đại dự án phía Tây Hà Nội khi đó, đến nay khu đô thị này vẫn nằm trên giấy. Chủ đầu tư mới giải phóng được một phần mặt bằng rồi để dự án treo, gây khó khăn cho công tác địa chính và kế hoạch sản xuất ở địa phương. 

Sau 10 năm chờ đợi, đến cuối năm ngoái, UBND thành phố Hà Nội vẫn khẳng định dự án đang “tạm dừng triển khai để chờ phê duyệt quy hoạch Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc”.

Cực Tây của Hà Nội không đón nhận thêm dự án đầu tư đáng kể nào từ thời điểm đó. Cơn sốt đất quãng những năm 2010 chỉ tạo ra hàng loạt những “trang trại nghỉ dưỡng” nhỏ trên các sàn mua bán bất động sản, vẫn chỉ là những mảnh đất có tường bao được người giàu ở Hà Nội trao đi bán lại đến tận hôm nay.

Thu nhập bình quân đầu người của khu vực này, dù đã cải thiện, mới đạt 38 triệu đồng/người/năm, tương đương một nửa so với bình quân đầu người của huyện Thạch Thất và bằng khoảng một phần ba so với mặt bằng chung của thủ đô.

Sự khác biệt của “cán bộ thủ đô mới” ở Tiến Xuân vẫn có thể nhìn thấy rõ. Trên bàn của anh Thao, những bản tin không in trên giấy gram thông thường. Anh xin lại văn thư xã giấy in một mặt để tận dụng nốt trang còn trắng.

Thanh Lam


Giày Đại Phát solution
Số người online:
8083
Số người truy cập:
9043090