Tăng cường kiểm toán các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại nhà nước là mục tiêu quan trọng mà Kiểm toán Nhà nước đề ra trong kế hoạch 2013 trình Quốc hội sáng nay.
Kế hoạch Kiểm toán 2013 là nội dung thứ hai được bàn bạc trong ngày đầu khai mạc phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay. Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cho biết trong năm tới sẽ tăng cường kiểm toán các đối tượng liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là các dự án, công trình phục vụ cho quản lý, điều hành tái cấu trúc đầu tư công. Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung rà soát các tập đoàn kinh tế, các ngân hàng thương mại nhà nước phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó sẽ kiểm toán cuốn chiếu tất cả các tập đoàn, ngân hàng thương mại trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015 để kịp thời cung cấp thông tin cho hoạt động tái cấu trúc.
Ngoài ra, Ủy ban đề nghị cần thực hiện kiểm toán các đơn vị kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ đổ vỡ và những tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả kinh doanh giảm mạnh. Đồng thời, cần bổ sung thêm vào kế hoạch kiểm toán năm 2013 một số tập đoàn kinh tế đang có vấn đề nổi lên mà dư luận xã hội quan tâm như Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn điện lực, Tập đoàn xăng dầu.
Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm 2012, đã thu hồi được 71,3% số tiền thất thoát, sai sót theo kiến nghị của kiểm toán (tương đương gần 12 nghìn tỷ đồng). Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - khách mời của phiên thảo luận - cho rằng đây là kết quả đáng tiến bộ. Tuy nhiên, Phó chủ tịch nước yêu cầu: "Với gần 30% bị thất thoát, đề nghị trong báo cáo phải chỉ rõ địa phương nào chưa thu hồi, vì sao, do không thấy đúng hay khó khăn hay không muốn thu hồi".
Cũng "truy" đến cùng những kiến nghị của kiểm toán chưa được xử lý triệt để, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nói: "Yêu cầu của xã hội là qua kiểm toán những vấn đề đặt ra phải được đi đến cùng. Sau khi kết luận, việc vẫn còn 30% khoản thất thoát chưa được thu hồi nghe xót lắm".
Chất lượng kiểm toán cũng được các thành viên đưa ra thảo luận trong phiên họp. Trong đó, vấn đề trùng lắp và sai số giữa kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ được quan tâm bởi có tình trạng kiểm toán cho rằng vi phạm nhưng thanh tra lại không cho là có khuyết điểm. Ông Nguyễn Văn Giàu chất vấn Tổng kiểm toán Nhà nước: "Đề nghị giải thích vì sao sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết luận kiểm toán rồi nhưng đơn vị khác vào kiểm toán kết quả lại khác".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng các đầu mối để kiểm toán nên gút lại để tránh chồng chéo. "Đừng nâng số lượng mà hãy nâng chất lượng. Nhiều khi kiểm toán vừa đọc kết luận ở một đơn vị thì hôm sau thanh tra đã lại lên kế hoạch thanh tra luôn. Giả sử kiểm toán đã kết luận rồi thì thanh tra vào phải lấy kết luận của kiểm toán chứ không cần thanh tra lại… Nếu sau này phát hiện kiểm toán và bị kiểm toán thông đồng nhau thì kiểm toán mới chịu trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ nhiệm Ủy Ban tư pháp Vũ Văn Hiện cũng đưa ra vấn đề kiểm toán nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm trong việc phát hiện sai phạm. "Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra khi phát hiện sai phạm. Nhưng ở nước ta những năm gần đây gần như không thực hiện được. Những tội liên quan chức vụ quyền hạn, hầu hết được phát hiện chủ yếu là do nhân dân, báo chí hoặc nội bộ tố nhau chứ không phải qua thanh tra, kiểm toán", ông Vũ Văn Hiện nêu.
Trả lời câu hỏi này, Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng lại cho rằng muốn thực hiện được việc này cần có sự phối hợp lớn từ cơ quan công an. "Thời gian vừa qua chúng tôi đã cung cấp hồ sơ 5-6 vụ cho cơ quan điều tra. Kiểm toán Nhà nước sẽ bàn với cơ quan công an để có phối hợp tốt hơn nhưng tôi cũng xin đề nghị cơ quan công an có bộ phận đọc hồ sơ của kiểm toán", ông Dũng phát biểu.
Năm 2013, Kiểm toán Nhà nước dự kiến làm việc tại 29 đầu mối, trong đó có 8 tập đoàn (tăng gấp 4 lần năm nay). Nằm trong danh sách này sẽ có cả những đơn vị đã được kiểm toán năm 2012. Cơ quan kiểm toán cũng sẽ đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ, trong đó tập trung vào việc điều hành lãi suất, tỷ giá ngoại hối, cho vay tái cấp vốn; đánh giá việc sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối Nhà nước và hoạt động tín dụng (nợ quá hạn, nợ xấu). Kết quả thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của Chính phủ cũng sẽ là nội dung kiểm toán đối với những tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại nhà nước.
Dầu khí Việt Nam
Thẩm tra kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước 2013, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị thực hiện kiểm toán luân phiên các đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước, song tránh tạo ra tiền lệ kiểm toán 2 năm một lần. Ủy ban đề nghị tập trung nguồn lực kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn và tài sản nhà nước, sản xuất kinh doanh các mặt hàng độc quyền ảnh hưởng lớn đến sản xuất vàđời sống như điện, than, xăng dầu... từ đó đưa ra các nhận định toàn diện giúp Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách hợp lý trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Ủy ban cũng yêu cầu tập trung nguồn lực chuyên sâu kiểm toán chính sách tiền tệ, quá trình sáp nhập, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại, tình hình tài chính của các ngân hàng sau tái cơ cấu.
Đối với tổ chức tài chính - ngân hàng, cơ quan thẩm tra của Quốc hội yêu cầu tập trung đánh giá hiệu quả của việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong thời gian qua; tình hình mua bán ngoại tệ và quản lý, sử dụng ngoại hối, lãi suất; nợ xấu; tình hình sử dụng nguồn vốn mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng; tình hình luân chuyển vốn sau khi sáp nhập; việc thực hiện các quy định hiện hành về sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cổ phần.
VnExpress - Thanh Lan