Vụ án mạng gây rúng động vì sự vô cảm của nhân chứng

 Catherine Susan Genovese, thường gọi là Kitty, sống chung với bạn gái trong một căn hộ chung cư ở khu vực Kew Gardens của quận Queens, New York.

Rạng sáng 13/3/1964, sau khi tan ca tại quán bar Ev's Eleventh Hour, nơi cô làm quản lý, Kitty lái xe về một mình. Khi rời khỏi chiếc Fiat màu đỏ và đi bộ về căn hộ vào khoảng 3h, cô bất ngờ bị một người đàn ông tiếp cận, đâm hai nhát vào lưng. Cô gái 28 tuổi la hét cầu cứu.

Theo trợ lý ủy viên công tố quận Charles Skoller, người gác cổng tên Joseph Fink chứng kiến vụ tấn công nhưng thay vì làm bất cứ điều gì, anh ta vào thang máy, xuống căn hộ của mình và đi ngủ ngay sau đó.

Nhiều hàng xóm nghe thấy tiếng hét của Kitty, đèn bật sáng trong các căn hộ gần đó, khiến kẻ tấn công sợ hãi bỏ chạy. Một hàng xóm tên Robert Mozer mở cửa sổ và hét lên: "Này, biến khỏi đây!".

Một người giấu tên lập tức gọi điện cho chính quyền, tuy nhiên không thấy cảnh sát đến. Khi Kitty loạng choạng đi đến cầu thang phía sau tòa chung cư, kẻ tấn công quay lại cưỡng hiếp cô rồi lấy cắp 49 USD. Một người đàn ông chứng kiến vụ tấn công thứ hai, nhưng thay vì gọi cảnh sát, anh ta gọi cho bạn gái và được cảnh báo đừng can dự.

Con hẻm sau khu chung cư nơi xảy ra án mạng có hai lối vào tòa nhà  được đánh số. Ảnh: Soundportraits

Cuối cùng, hàng xóm tên Karl Ross liên lạc được với cảnh sát và họ có mặt ngay sau vụ tấn công thứ hai. Tổng cộng, cuộc tấn công kéo dài từ 30 phút đến một giờ.

Trong khi nhiều người không hành động, hàng xóm tên Sophia Farrar đã đến an ủi Kitty sau khi được một hàng xóm khác gọi điện thông báo rằng cô bị tấn công gần đó. Tìm thấy Kitty nằm gục ở hành lang phía sau, Sophia ôm lấy cô, nói rằng xe cứu thương đang đến. "Tôi chỉ hy vọng cô ấy biết đó là tôi, rằng cô ấy không cô đơn", Sophia chia sẻ sau đó. Cuối cùng, Kitty chết trên đường đến bệnh viện.

Trả lời phỏng vấn sau vụ việc, một số nhân chứng phản ứng một cách thờ ơ, cho biết "không muốn bị liên lụy".

Qua nghiên cứu riêng của William Genovese, em trai Kitty, cảnh sát đã nói chuyện với khoảng 38 người về chuyện xảy ra đêm đó. Tất cả đều nói nghe thấy tiếng hét của Kitty, nhưng hầu hết không chắc chuyện gì đang xảy ra.

Hai tuần sau vụ án, một tờ báo lớn đưa tin 38 người sống cùng khu nhà với Kitty đã nhìn thấy hoặc nghe thấy vụ tấn công, nhưng không ai gọi cảnh sát hoặc đến trợ giúp cô, ngay cả khi thủ phạm quay lại tấn công Kitty lần thứ hai.

Tuy đưa tin sai, bài báo gây chấn động toàn nước Mỹ lúc bấy giờ. Nhiều người thấy bàng hoàng và phẫn nộ trước sự vô cảm của hàng chục nhân chứng, số khác chỉ trích cảnh sát phản ứng chậm.

Kitty tại nhà ông bà ở Brooklyn. Ảnh: Genovese Family

Hiệu ứng người ngoài cuộc

Cái chết của Kitty thúc đẩy lý thuyết về "Hiệu ứng người ngoài cuộc", hay "Hội chứng Kitty Genovese", cho rằng càng nhiều người chứng kiến tội ác thì họ càng ít có khả năng giúp đỡ nạn nhân. Theo nghiên cứu năm 1968 của nhà tâm lý học xã hội Bibb Latané và John Darley, những người ngoài cuộc tin rằng ai đó sẽ hành động và họ cũng phản ứng dựa trên phản ứng của người xung quanh.

Giả thuyết này gây tranh cãi trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi tòa soạn báo thừa nhận báo cáo ban đầu về cái chết của Kitty đã lan truyền thông tin sai lệch và phóng đại.

Trong một bài viết năm 2004, tờ báo này xem xét lại các tình tiết của vụ án và nói chuyện với Harold Takooshian, giáo sư tâm lý học đô thị tại Đại học Fordham. Qua quá trình nghiên cứu vụ việc, giáo sư Harold cho rằng 38 nhân chứng ít có khả năng hành động vì họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra chứ không phải vì thờ ơ. "Những người khác có thể coi các nhân chứng là kẻ xấu, còn các nhà tâm lý học coi họ là bình thường", giáo sư Harold nói.

Cái chết của Kitty cũng khiến nhà chức trách nhận ra sự cần thiết có hệ thống báo tin khẩn cấp thống nhất. Trước những năm 1960, nước Mỹ chưa có đường dây 911, người dân phải trực tiếp quay số đồn cảnh sát hoặc yêu cầu người trực tổng đài chuyển cuộc gọi. Đến năm 1968, 911 được công nhận là số điện thoại khẩn cấp quốc gia.

Hung thủ trả giá

Chưa đầy một tuần sau khi Kitty bị sát hại, Winston Moseley, 29 tuổi, bị bắt vì một vụ trộm không liên quan. Hai nhân chứng nhìn thấy Winston vác một chiếc tivi rời khỏi hiện trường nên báo cảnh sát.

Trong quá trình thẩm vấn, Winston thừa nhận đã sát hại một cô gái phục vụ quán bar, sau đó nạn nhân được xác định chính là Kitty. Hắn còn thú nhận giết hai nạn nhân nữ khác, cưỡng hiếp một nạn nhân và định cưỡng hiếp một người khác cùng 30-40 vụ đột nhập trộm cắp.

Trên phiên tòa vào ngày 8/6/1964, Winston kể chi tiết vụ giết Kitty, cũng như vụ giết hai nạn nhân khác, một người 15 tuổi và một người 24 tuổi, nhưng các công tố viên từ chối buộc tội hai vụ giết người đó.

Winston cho biết động cơ gây án chỉ đơn giản là "giết phụ nữ dễ hơn và không bị chống trả".

Theo lời khai, Winston thức dậy vào khoảng 2h ngày 13/3/1964, lái xe ra ngoài tìm nạn nhân trong khi người vợ y tá đang trực đêm ở bệnh viện. Hắn nhìn thấy Kitty khi đợi đèn giao thông và lái xe bám theo, tấn công từ sau lưng bằng con dao chuẩn bị sẵn.

Khi bị các hàng xóm dọa chạy, hắn bỏ về xe, lái đi nhưng quay lại chỉ 10 phút sau. Winston che mặt bằng mũ rộng vành, tìm kiếm xung quanh và phát hiện Kitty chỉ có chút ý thức, nằm trên hành lang phía sau tòa nhà vì cửa khóa không vào được bên trong. Hắn đâm Kitty nhiều nhát, cưỡng hiếp cô, cướp 49 USD rồi tẩu thoát.

Dù khai nhận hành vi và có đầy đủ bằng chứng, Winston nói mình vô tội vì lý do mất trí.

Winston Moseley cười, nói với truyền thông rằng chỉ hối hận vì bị bắt, năm 1968. Ảnh: Corbis

Bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết có tội sau phiên tòa kéo dài ba ngày và đề nghị mức án tử hình đối với Winston. Ngày 15/6/1964, Winston bị kết án tử hình vì tội giết Kitty. Hắn hầu như không phản ứng gì trong khi tòa án bùng nổ tiếng reo hò.

Ngày 1/6/1967, bản án tử hình của Winston được giảm xuống tù chung thân sau khi kháng cáo.

Tháng 3/1968, Winston trốn thoát trên đường di chuyển từ bệnh viện trở lại nhà tù từ, nhưng bị bắt sau ba ngày. Trong thời gian chạy trốn, hắn bị buộc tội giam giữ hai phụ nữ trong một ngôi nhà ở thành phố Buffalo, New York, sau đó chạy đến Grand Island, giam giữ hai phụ nữ và một trẻ sơ sinh tại đây trước khi ra đầu thú.

Khi ở trong tù, Winston có bằng đại học về xã hội học. Hắn biện hộ cho bản thân bất cứ khi nào được xét ân xá. Winston từng viết thư cho hội đồng ân xá về những lý do khác nhau thúc đẩy hắn giết người, như "sự tức giận và đau buồn" do cái chết của một người bạn đã khiến hắn giết Kitty.

Hội đồng ân xá nhiều lần từ chối trả tự do cho Winston, bởi nhận thấy hắn vẫn cố hạ thấp mức độ nghiêm trọng của hành vi và chưa nhận thức rõ tội lỗi. Năm 2016, Winston chết trong tù ở tuổi 81.

Vụ sát hại Kitty được tái hiện trong nhiều cuốn sách như Thirty-Eight Witnesses: The Kitty Genovese Case (1964), Kitty Genovese: The Murder, The Bystanders, The Crime That Changed America (2014), "No One Helped": Kitty Genovese, New York City, and the Myth of Urban Apathy (2015) và phim tài liệu The Witness (2015).

Tuệ Anh (Theo OxygenNY Times, NY Daily News)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
5193
Số người truy cập:
4766958