Vietnam Airlines không muốn mất Vinapco

Tuyên bố của Vietnam Airlines đưa ra sau gần 3 tuần Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia tuyên án phạt công ty con Vinapco hơn 3 tỷ đồng vì đơn phương ngừng cấp xăng khiến nhiều chuyến bay của Jetstar Pacific Airlines bị hoãn, hủy. Tại phiên xét xử kín hôm 14/4, Hãng Jetstar Pacific Airlines và Hội đồng cạnh tranh Quốc gia cũng đề xuất tách Vinapco ra khỏi Vietnam Airlines để trở thành nhà cung cấp xăng dầu độc lập. Đồng thời cho phép một số doanh nghiệp khác cùng tham gia vào thị trường nhiên liệu bay.

xăng dầu đang chiếm tới 50% chi phí của các hãng hàng không. Ảnh: Thu Ngân.

Trong thông báo phát đi chiều qua, Vietnam Airlines khẳng định ủng hộ phán quyết của Hội đồng cạnh tranh về hình thức phạt liên quan đến việc ngừng cấp xăng dầu và đã yêu cầu lãnh đạo Vinapco kiểm điểm và chấn chỉnh hoạt động, tránh vụ việc tương tự xảy ra. Tuy nhiên Vietnam Airlines cho rằng Vinapco là công ty 100% vốn nhà nước, có nghĩa vụ và quyền lợi phải kinh doanh có lãi và bảo toàn phần vốn nên không thể để đối tác chiếm dụng vốn, không chịu trả tiền mà Vinapco vẫn phải tiếp tục cung cấp nhiên liệu bay.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng phản đối đề nghị tách Vinapco ra khỏi hãng. Doanh nghiệp này cho rằng việc đề xuất tách Vinapco ra khỏi hãng không nhằm mục đích chống độc quyền trong lĩnh vực cung ứng xăng dầu hàng không tại VN mà thực chất nhằm làm suy yếu hãng bằng cách phá vỡ, tách rời hệ thống cơ sở kỹ thuật, dịch vụ khép kín. Việc chống độc quyền không phải được đảm bảo bằng cách tách Vinapco (công ty con) khỏi Vietnam Airlines (công ty mẹ), mà cần cho phép thêm các doanh nghiệp khác tham gia cung ứng xăng dầu hàng không cùng với Vinapco.

Giới chuyên môn nhìn nhận, việc Vietnam Airlines không chấp nhận tách Vinpaco ra khỏi mình, bởi lẽ nhiên liệu bay đang chiếm tới 50% chi phí của các hãng hàng không. Trong tổng số hơn 500.000 tấn xăng dầu mà Vinapco cung ứng mỗi năm, Vietnam Airlines cũng chiếm tới 70%, các hãng quốc tế khoảng 15-18% còn lại là hãng hàng không nội địa. Do vậy, nắm được Vinapco trong tay thì Vietnam Airlines sẽ luôn đứng ở vị trí thượng phong trước các hãng hàng không khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nhà nước đang thực hiện chính sách thúc đẩy cạnh tranh tạo môi trường bình đẳng thì việc một công ty cung ứng nhiên liệu độc quyền lại nằm trong hãng hàng không thì là chuyện rất khó chấp nhận.

"Không một nơi nào trên thế giới, công ty xăng dầu lại nằm trong một hãng hàng không", một chuyên gia am hiểu lĩnh vực hàng không nhận xét. Ông cho rằng ở các nước trên thế giới, dịch vụ sân bay chỉ cần chiếm 5% và dịch vụ quản lý bay chỉ cần chiếm 2% chi phí mỗi chuyến bay thì cơ quan thẩm quyền đã phải tách các dịch vụ này độc lập ra khỏi hãng hàng không.

Hồng Anh

( Theo VnExpress)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
8473
Số người truy cập:
11169754