Vì sao thời gian cứu bé trai kẹt trong cọc bêtông kéo dài?

 Em Thái Lý Hạo Nam rơi vào cọc bêtông 35 m, rộng 25 cm, cắm sâu dưới lòng đất trưa 31/12/2022, khi cùng 3 bạn nhặt phế liệu ở dự án xây cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, cách nhà gần một km. Đến tối 3/1, sau hơn 3 ngày, việc giải cứu bé trai vẫn chưa thành dù qua nhiều phương án.

Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết khoảng 23/35 m đất đá trong lòng ống thép được làm sạch. Hiện, việc nhấc cọc bêtông ra khỏi khu vực chưa thực hiện được như dự tính.

Lực lượng cứu hộ đưa máy móc vào khu vực cọc bêtông, chiều 3/1. Ảnh: Ngọc TàiHiện trường nằm giữa đồng, phải đi qua con đường đất 300 m trong khi tuyến lộ chính dài khoảng 3 km dẫn vào rộng 3 m với nhiều cầu nhỏ.

Công tác cứu hộ ban đầu do công an xã và người thân bé Nam thực hiện. Anh Thái Văn Tấn Tài (40 tuổi, cha bé Nam) kể sau 10 phút xảy ra tai nạn, anh chạy tới vẫn nghe tiếng kêu cứu dưới hố, song lúc này con trai tụt quá sâu dưới cọc. Do thiếu kinh nghiệm, việc giải cứu lúc này chỉ dừng lại ở bơm oxy xuống hố, mượn camera dò tìm nạn nhân và báo tin cho đơn vị cứu nạn chuyên nghiệp.

Lực lượng PCCC Công an tỉnh Đồng Tháp có mặt tại hiện trường khoảng 30 phút sau tai nạn. Trung tá Trần Văn Giỏi, Đội phó Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nói trong 12 giờ đầu đội đưa phương án cứu cháu bé bằng dây chuyên dụng. Tuy vậy cách làm này không khả thi vì tiết diện cọc bêtông quá nhỏ, nạn nhân không thể xoay xở để luồn dây vào cho phía trên kéo lên.

Phương án thứ hai được đưa ra, cứu hộ sẽ khoan làm mềm đất, sau đó dùng cẩu kéo cọc lên, song lúc này không có máy khoan chuyên dụng. Lực lượng chức năng chỉ huy động được máy khoan giếng. Trong đêm 31/12/2022, từng mũi khoan được đưa xuống đất, kết hợp làm mềm đất trong lúc chờ thiết bị khoan chuyên dụng.

Lồng thép giúp việc xử lý bùn đất quanh cọc bêtông thuận lợi hơn. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Chiều 1/1, máy khoan cọc nhồi công suất lớn cách đó gần 60 km được đưa đến hiện trường, sau 18 tiếng huy động, để thay thế máy khoan giếng. Lúc này việc cứu hộ được đẩy nhanh để sớm tiếp cận nạn nhân kẹt sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, người tiếp chỉ đạo tại hiện trường, mọi việc không như dự kiến do máy khoan cọc nhồi làm trụ bêtông (gồm 3 đoạn) bị trượt, nguy cơ gãy hoặc đứt mối nối.

Ông Bảo nói ngành chức năng đã cố gắng hết sức những ngày qua để sớm kết thúc cứu hộ. Song khi thực hiện, nhiều yếu tố bất lợi như địa chất, thiết bị phải điều động từ nơi xa đến, không thể chủ động được nên việc giải cứu bị kéo dài.

Đến sáng qua, gần hai ngày sau khi sự cố xảy ra, địa phương nhận được sự hỗ trợ đáng kể của nhiều lực lượng, trong đó gồm hơn 90 nhân sự công binh đến từ Quân khu 9. Có lúc công trường ghi nhận hơn 300 người tham gia cứu hộ. Lúc này phương án giải cứu một lần nữa được điều chỉnh. Thay vì khoan nhồi đóng cọc, làm mềm đất để kéo bêtông, đội cứu hộ đề xuất giải pháp đóng ống vách quanh cọc bêtông.

Thiết bị, máy móc của các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải phục vụ cứu hộ được tập kết ở hiện trường, chiều 3/1. Ảnh: Hoàng Nam

Với phương án mới, lồng thép rộng 1,5 m, dài 19 m, được đóng từ trên xuống, bao bọc phía ngoài cọc bêtông. Sau đó, nhân viên cứu hộ cùng máy móc sẽ bơm nước, xử lý hết bùn đất phía trong. Khi giải quyết thấp nhất lực ma sát, cẩu và thiết bị chuyên dụng sẽ nhấc cọc bêtông ra khỏi vị trí bị nạn, tìm kiếm cháu bé.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết vụ tai nạn là trường hợp hy hữu và "không ngờ được" đối với địa phương. Sự việc khó nhưng tỉnh thiếu nhiều thiết bị, công cụ, máy móc... Giao thông ở địa bàn đi lại khó khăn nên một số thiết bị vận chuyển bằng đường sông rất mất thời gian. Vì vậy các biện pháp cứu hộ do tỉnh triển khai ban đầu gặp "một số lúng túng, khó khăn".

"Vừa thực hiện cứu hộ tại chỗ vừa trưng cầu ý kiến của chuyên gia, kêu gọi sự giúp đỡ các đơn vị có kinh nghiệm sớm cứu hộ cháu bé", ông Bửu nói và cho biết phương án ban đầu địa phương tính sử dụng nguồn lực tại chỗ để giải cứu cháu bé. Tuy nhiên, khi thấy nhân lực không đủ, tỉnh đã đề nghị Quân khu 9, các bộ ngành giúp đỡ.

Giao thông khó khăn nên nhiều thiết bị phải vận chuyển bằng đường thủy tốn thời gian. Ảnh: Hoàng Nam

Đến chiều 3/1, ông Bửu cho biết phương án đóng ống lồng thép bao quanh cọc bêtông được những đơn vị tham gia cứu hộ đánh giá là giải pháp tốt nhất lúc này. Lực lượng chức năng tiếp tục dùng khoan xoáy làm tơi xốp bùn đất, sau đó đưa ra ngoài, giảm lực ma sát, sớm kéo trụ bêtông lên.

Chia sẻ khó khăn với lực lượng cứu hộ, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bêtông nói việc kéo trụ bêtông lên khó gấp nhiều lần so với khi đóng xuống. Ví dụ khi đóng, nhà thầu chỉ cần lực 50 tấn, khi nhổ lên cần lực tác động gấp 4-5 lần. Chưa kể cọc bêtông đã đóng ít khi phải kéo lên nên chưa có đơn vị nào kể cả trên thế giới sản xuất thiết bị chuyên dụng rút cọc lên. Trường hợp phải rút lên, nhà thầu cần kéo thẳng tâm để cọc không gãy, đứt mối hàn.

Ngọc Tài - Hoàng Nam


Giày Đại Phát solution
Số người online:
2682
Số người truy cập:
4762180