Vi khuẩn làm tăng tuổi thọ tòa nhà

 

Ảnh: Technewsdaily.
Ảnh minh họa: Technewsdaily.

Bacillus subtilis là loại vi khuẩn khá phổ biến trong đất. Nếu bị biến đổi gene, chúng có thể tạo ra một hỗn hợp canxi cacbonat và một loại keo. TechNewsDailycho biết, Jennifer Hallinan, một chuyên gia của Đại học Newcastle tại Anh, gây đột biến gene của vi khuẩn Bacillus subtilis rồi cho chúng vào các vết nứt nhỏ trên tấm bê tông. Khi tới đáy vết nứt, chúng sản sinh ra hỗn hợp canxi cacbonat và keo. Hỗn hợp này cứng lại khiến vết nứt biến mất.

Mầm vi khuẩn BacillaFilla - dạng biến đổi gene của Bacillus subtilis - chỉ bắt đầu phát triển khi chúng tiếp xúc với bê tông. Quá trình phát triển được kích hoạt nhờ độ pH đặc trưng của vật liệu. Để ngăn chặn sự phát triển tràn lan của vi khuẩn, nhóm nghiên cứu cấy sẵn một loại gene tự hủy trong cơ thể chúng.

Một khi đã phát triển, vi khuẩn bắt đầu xâm nhập vào sâu các vết nứt nhỏ trên bề mặt bê tông. Chúng có thể nhận thấy đáy của vết nứt khi chạm tới nhờ sự kết khối, hay còn gọi là khả năng nhận biết mật độ.

Hiện tượng kết khối sẽ kích hoạt quá trình trám bê tông. Khi đó, vi khuẩn sẽ phân hóa thành 3 loại: vi khuẩn sản sinh tinh thể canxi cacbonat, vi khuẩn dạng sợi gia cố các sợi, vi khuẩn sản sinh ra keo để trám đầy vết nứt.

“Khoảng 5% lượng phát thải CO2 nhân tạo bắt nguồn từ các công trình bê tông, khiến nó trở thành tác nhân đáng kể gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Tìm ra cách kéo dài tuổi thọ của các công trình đang tồn tại cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thể làm giảm tác động đến môi trường và hướng đến một giải pháp bền vững hơn”, Hallinan, phát biểu.

Hallinan cho rằng, phương pháp trám vết nứt bê tông bằng vi khuẩn sẽ phát huy hiệu quả ở những vùng có nguy cơ bị động đất. Ở đó, hàng trăm tòa nhà phải bị phá bỏ vì người ta không có biện pháp đơn giản nào để sửa chữa các vết nứt và làm cho chúng bền vững về mặt cấu trúc.

Ngọc Thúy


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6996
Số người truy cập:
9112260