Ông Nghĩa cho rằng, nhiều dự báo của các chuyên gia cho rằng giá vàng có thể tăng lên 1.600 USD/ounce ngay trong tháng 6 - 7/2011, thậm chí là 1.650 USD/ounce và sau đó giá sẽ giảm và có thể giảm khá mạnh.
Cũng theo ông Nghĩa, sau tháng 6 – 7, giá vàng thế giới sẽ phụ thuộc vào “thái độ” của Trung Quốc đối với dự trữ của quốc gia này. Nếu Trung Quốc quyết tâm mua vàng thay cho USD trong dự trữ ngoại hối thì giá vàng sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu Mỹ đạt tăng trưởng khả quan, giá USD lên thì Trung Quốc sẽ không mua ồ ạt vàng mà chỉ mua lượng vàng các công ty Trung Quốc khai thác (hiện khoảng 250 tấn/năm). Ở tình thế này, giá vàng có thể sẽ giảm đều đặn thời gian dài sau tháng 6-7/2011.
Một yếu tố nữa cũng cần quan tâm đó là tình hình mua bán giao dịch vàng của Ấn Độ, bởi Ấn Độ là một trong những quốc gia có số vàng dự trữ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, 2 năm nay, Ấn Độ không có chiến lược quốc gia thực sự mà chỉ xuất phát từ nhu cầu tự phát của dân chúng.
Ngoài ra, để phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường vàng cũng cần phải đề cập tới vấn đề tỷ giá.
Theo tính toán của ông Nghĩa, nếu bội số của tiền mà không có vàng tham gia vào (chỉ tính ngoại tệ và nội tệ) là trên 4, tức là tiền tạo ra tiền được 4 lần trong 1 năm. Nhưng nếu tính cả vàng vào thì tiền tạo ra tiền chỉ có 2 lần trong 1 năm. Như vậy, với sự tham gia của vàng làm cho nền kinh tế thiếu thiền thực sự. Cho nên, bằng bất cứ giá nào Chính phủ phải giải quyết dứt điểm những hạn chế của thị trường vàng.
Sắp tới, Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ sẽ họp và Ngân hàng Trung ương kiến nghị một đề án quản lý thị trường vàng, giúp thị trường hoạt động tốt hơn và giúp huy động vàng trong dân tốt hơn. “Trong chính sách tiền tệ, tôi cho đây là một lỗ hổng lớn gây khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực tài chính thực sự” - ông Nghĩa nhấn mạnh.