( theo Dan Tri)
Ông Nguyễn Tiến Thỏa.
Thưa ông, đến khi nào quĩ bình ổn xăng dầu có thể đi vào hoạt động để chúng ta không phải chạy theo giá xăng, dầu thế giới?
Như chúng ta biết, mục đích của quĩ đó là làm sao để giá xăng, dầu không tăng đột biến, không để giá thế giới tăng tác động bất lợi vào giá trong nước. Nhưng làm quĩ bình ổn lại phụ thuộc vào việc trích từ giá bán và phải khi giá trên thế giới hạ mới cho phép mình trích.
Thế còn ngưỡng giá để so sánh và trích quĩ, chúng ta có xác định được không?
Tôi nói ví dụ thế này, giá bán lẻ hiện nay đang là 14.200 đồng/lít xăng A92, tương ứng với giá bình quân 20 ngày trên thị trường thế giới mà cụ thể, tương ứng với giá xăng tại Singapore khoảng 75 USD/thùng. Bây giờ giá không ở ngưỡng 75 USD nữa mà tụt xuống thấp hơn 75 USD thì sẽ có dư so với giá bán hiện nay. Mình giảm giá bán lẻ bao nhiêu, còn lại chênh lệch bao nhiêu mình có thể trích quĩ.
Nhưng tình hình cứ như thế này, quĩ đó mãi không hình thành được?
Hiện tại là như thế. Sẽ có cách để chúng ta trích quĩ được nhưng với điều kiện là toàn bộ khoản đó được cộng vào giá, kể cả lúc giá thế giới cao, kể cả lúc giá thế giới thấp.
Nếu thống nhất được như vậy thì bây giờ có thể trích được ngay. Chẳng hạn, giá xăng của Việt Nam bây giờ không phải là 14.200 đồng/lít mà sẽ là 14.700 đồng/lít. Anh dành khoản chênh ấy ra để anh lập quĩ bình ổn giá.
Nhưng tăng để có thể trích như vậy sẽ khó thuyết phục người tiêu dùng?
Vấn đề là mâu thuẫn như thế. Cho nên để nói điều khẳng định bao giờ trích được thì thời cơ là giá thị trường thế giới xuống.
Trước đây, mỗi lần tăng giá xăng dầu, Bộ đều tổ chức họp báo công bố nhưng gần đây không còn thông lệ này và giá xăng, dầu có thể bắt đầu điều chỉnh vào lúc nửa đêm mà không hẳn người dân có thể biết?
Những lần trước vẫn còn là nhà nước quyết định giá. Còn lần này đi theo hướng: chuyển sang cơ chế thị trường, doanh nghiệp là người quyết định giá còn mình kiểm soát đăng kí giá của họ. Mình chấp thuận hay không chấp thuận, còn họ quyết định điều chỉnh vào giờ nào thuận tiện nhất.
Sau khi doanh nghiệp đề xuất tăng giá, Bộ sẽ dựa vào một số yếu tố để quyết định có chấp thuận hay không chấp thuận, nhưng Kiểm toán nhà nước cho rằng, việc lỗ lãi của các Công ty xăng dầu hiện nay chưa công khai, minh bạch. Vậy Bộ dựa vào tiêu chí nào để chấp thuận hay không chấp thuận?
Đầu tiên, Bộ dựa vào giá Singapore bình quân 20 ngày là bao nhiêu rồi thứ hai là tỉ giá bình quân 20 ngày giao dịch và thứ ba thuế nhập khẩu là bao nhiêu… Những tiêu chí đó rất rõ rồi, anh không chạy đi đâu được.
Lúc trước toàn bộ giá vốn như thế này, bây giờ giá thế giới tăng lên tác động vào, vốn tăng cao hơn giá bán lẻ hiện hành thì phải chấp thuận.
Thưa ông, trong văn bản gửi các cơ quan báo chí mới đây, Bộ Tài chính đã dẫn ra những nước có giá xăng, dầu cao hơn nước ta. Tại sao, Bộ không đưa ra những nước có giá bán thấp hơn ta?
Thấp hơn cũng có, nhưng các nước đó họ đã bù giá. Trước đây, chúng ta thực hiện bù, giá luôn thấp hơn các nước khác.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã có thành phẩm và xăng dầu ở đây cũng sẽ là nhân tố bình ổn giá?
Tương lai là như vậy, nhưng trước mắt cố gắng được 30% nhu cầu đã là quí lắm rồi. Khi mà thị phần của ta có đến 90% phụ thuộc vào thế giới thì vẫn phải là giá thế giới làm tiêu chí để tính toán.
Xin cám ơn ông!
Kim Tân (ghi)