Vào lúc 17h chiều 7/8, vàng SJC và vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu không đổi so với giá sáng hôm nay và được niêm yết ở mức 41,83 triệu đồng/lượng giá mua vào 41,98 triệu đồng/lượng giá bán ra. Các loại vàng miếng, vàng nguyên liệu không thay đổi, được mua vào ở mức 41,21 triệu đồng/lượng. Các loại vàng trang sức, vàng nguyên liệu không thay đổi, được mua vào ở giá 40,90 triệu đồng/lượng.
Mức “đỉnh” 41,98 triệu đồng/lượng cũng được ghi nhận ở Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý. Giá vàng SJC được giao dịch ở mức: Mua vào: 41,83 triệu đồng/lượng; bán ra 41,98 triệu đồng/lượng, giá vàng 9999 tăng mạnh và giao dịch ở mức: Mua vào 41,40 triệu đồng/lượng; bán ra 41,80 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đóng cửa tuần ở mức rất cao 41,98 triệu đồng/lượng, tăng 1,83 triệu đồng/lượng, tương ứng 4,56% so với giá đóng cửa cuối tuần trước. Giá vàng thế giới đóng cửa ở mức 1.663,4 USD/ounce, tăng 39,41 USD/ounce, tương ứng 2,43% so với giá đóng cửa tuần trước.
Như vậy, giá vàng trong nước tăng mạnh gần gấp đôi giá thế giới. Khoảng cách giữa hai mức giá được nới rộng hơn. Giá vàng trong nước đắt hơn thế giới gần 700.000 đồng/lượng, mức kỷ lục trong suốt thời gian dài qua.
Trong cuộc khảo sát của Kitco News Gold Survey, có 34 người tham gia và chỉ 21 người trả lời trong tuần này. Trong số 21 người trả lời, 10 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, 7 người dự báo giảm, 4 người cho rằng giá vàng sẽ đi ngang hoặc không thay đổi. Những người tham gia là các nhà giao dịch vàng, các công ty quản lý quỹ, ngân hàng đầu tư, nhà giao dịch tương lai và các chuyên gia phân tích kỹ thuật.
Những người dự báo vàng tăng giá tin rằng những yếu tố đã thúc đẩy vàng lập các kỷ lục trong thời gian qua sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Các yếu tố đó là vấn đề nợ công ở các nước Châu Âu, sự thiếu niềm tin vào đồng USD và các đồng tiền khác. Một yếu tố nữa hỗ trợ thị trường vàng chính là Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới đang bước vào mùa cưới.
Adrian Day, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Adrian Day Asset Management cho rằng vấn đề nợ ở Châu Âu và Nhật Bản đang nằm “ngoài tầm kiểm soát”. Và các nhà lãnh đạo không biết làm thế nào để giải quyết thực tế này.
Ông nói: “Tại Mỹ, người dân không sẵn sàng cắt giảm chi tiêu nếu được yêu cầu. Các nhà lãnh đạo đã sẵn sàng chuẩn bị cho việc giảm giá USD. Nếu tiền giấy mất giá, nhà đầu tư lại đổ xô vào vàng”.
Những người dự báo vàng giảm giá thì cho rằng hoạt động bán ra để bù lỗ và “cứu” các thị trường khác sẽ diễn ra giống như hôm thứ 5 tuần trước khi thị trường hàng hóa tuột dốc. Họ cũng nhấn mạnh tới sự điều chỉnh theo phân tích kỹ thuật.
Xét về dài hạn, giá vàng tăng vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ. Thậm chí, có ý kiến cho rằng giá vàng có thể tăng gấp đôi vì Ngân hàng trung ương các nước đẩy mạnh mua vào.
Bill Murphy, Chủ tịch của Gold Anti-Trust Action Committee (GATA) nhận định: “Các bạn sẽ thấy giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce tới 5.000 USD/ounce khi Ngân hàng trung ương các nước đang chạy đua để đáp ứng các nhu cầu về vàng”.
Murphy và GATA tin rằng thị trường vàng sẽ nhận được hỗ trợ mạnh từ các ngân hàng vàng, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed và Ngân hàng Trung ương Anh quốc cũng như IMF. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với nhận định trên.