Làm giàu từ tay trắng
(TNO) Sinh ra ở các vùng quê khác nhau, nhưng ở họ lại có những điểm chung: đều lớn lên trong nghèo khó, khởi nghiệp từ con số 0 và bằng chính nội lực của mình, họ đã vươn lên thành những chủ trang trại, chủ doanh nghiệp.
Thanh Niên Online xin giới thiệu một số tấm gương tiêu biểu trong 100 thanh niên làm kinh tế giỏi năm 2010 được tuyên dương tại Festival Thanh niên làm kinh tế giỏi xây dựng đất nước "Tỏa sáng hào khí ngàn năm" do Hội LHTN Việt Nam tổ chức ngày hôm nay 15.10 tại Bắc Ninh.
Chàng trai khuyết tật giàu nghị lực
Người khuyết tật không phải là những người sống nhờ tình thương của xã hội, nếu có ý chí quyết tâm họ cũng có thể thành công như những người bình thường. Lê Hữu Bằng, chủ trang trại sản xuất tổng hợp VAC (xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), là một minh chứng

Lê Hữu Bằng
|
Học hết THCS, do hoàn cảnh khó khăn, Lê Hữu Bằng phải bỏ học giữa chừng. Với người khuyết tật, tìm được một công việc phù hợp để nuôi sống bản thân và gia đình chẳng hề dễ dàng.
Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, Bằng quyết định đi học nghề sửa chữa máy vi tính. Tuy nhiên, số tiền kiếm được từ dịch vụ sửa chữa máy tại nhà cũng chỉ đủ sống qua ngày.
Khi tham gia Hội người khuyết tật tại địa phương, gặp những con người đồng cảnh ngộ nhưng đầy ý chí, quyết tâm, Bằng đã có thêm nghị lực để theo đuổi quyết tâm vươn lên làm giàu.
Năm 2006, Bằng bắt đầu làm trang trại theo mô hình VAC (Vườn - Ao - Chuồng). Bằng tâm sự: “Kinh tế khó khăn và mặc cảm khuyết tật cơ thể đã khiến tôi có lúc nhụt chí. Người ta lao động bằng đôi bàn tay, còn tôi với một tay trái làm gì cũng khó, nhất là khuân vác cỏ, lấy thức ăn cho gia súc... Nhờ có sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, cộng đồng tôi đã tiếp tục phấn đấu, vươn lên. Tất cả các khóa tập huấn từ chăn nuôi gia súc, gia cầm; đào tạo tin học, đến các khóa tập huấn về quản lý, lập dự án, thương thuyết… tôi đều đăng ký tham gia học để lấy kinh nghiệm”.
|
 “Là chủ trang trại, tôi luôn trăn trở làm thế nào để đưa trang trại của mình phát triển hơn nữa. Tham dự Festival lần này, chính là cơ hội để tôi học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nhân thành đạt. Và tôi tin trang trại của mình sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai”.

|
|
Lê Hữu Bằng
|
Bắt đầu chỉ với một sào đất canh tác thuê lại, sau bốn năm hoạt động, trang trại của Bằng giờ đã được mở rộng với quy mô lên đến 12 ha, 10.000 con cá, 100 con heo, 4.000 con vịt lấy thịt, 1.000 con vịt đẻ trứng và 300 con gà.
Không chỉ dừng lại ở chăn nuôi, Bằng còn mở rộng trang trại của mình với bốn hecta cây lâm nghiệp, một hecta cây hoa màu.
Ngoài ra, Bằng còn tích cực trong các đợt huấn luyện thể dục thể thao nhằm nâng cao sự tự tin và để có thêm sức khỏe lao động. Trong bảng thành tích của mình, bên cạnh bằng khen Thi đua yêu nước của tỉnh Quảng Trị, gương điển hình làm kinh tế giỏi, là cả “chùm” huy chương, gồm: bốn vàng, ba bạc và sáu đồng trong môn Bơi lội dành cho người khuyết tật của tỉnh Quảng Trị trong các năm 2006, 2007, 2008.
Ý thức rất rõ sự khó khăn mà những người trẻ gặp phải trên con đường lập nghiệp, nên bất cứ khi nào có thể, Bằng luôn giúp đỡ những người khó khăn vươn lên bằng tấm lòng, nhiệt huyết của mình.
Từ năm 2002 đến nay, Bằng được tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội Người khuyết tật xã Vĩnh Tú. Tận dụng lợi thế địa hình tại địa phương, Hội đã lập ra mô hình du lịch sinh thái, kinh doanh nước giải khát nhằm tăng thêm thu nhập cho hội viên và tạo được nguồn vốn 200 triệu đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế.
Giàu lên từ 10 triệu đồng vốn vay của Đoàn
Nói đến chàng trai dân tộc HMông Và A Lử ở bản Con Cang, xã Na Ư, huyện Điện Biên (Điện Biên), từ già đến trẻ, ai ai cũng quý mến và ngưỡng mộ cái tính tốt bụng và cái tài làm giàu.
Trước khi có một cơ ngơi với 120 con bò, 20 con trâu, 40 con dê như ngày hôm nay, gia đình Và A Lử đã từng có những tháng ngày khốn khó cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
“Gia đình mình đông anh em, tất cả chỉ trông chờ vào mảnh ruộng, vất vả làm quần quật mà mỗi năm vẫn thiếu đói từ 1- 2 tháng. Tôi luôn băn khoăn, mình có sức trẻ, tại sao vẫn đói nghèo, phải làm gì đó để cải thiện đời sống, giúp gia đình thoát nghèo”, Và A Lử kể.

Và A Lử
|
Mốc son đánh dấu bước ngoặt cuộc đời Và A Lử chính là năm 2001, lúc đó cậu vừa tròn 18 tuổi và được chính thức đứng vào hàng ngũ của Đoàn.
Không ngại khó, ngại khổ, Và A Lử sẵn sàng làm bất cứ việc gì được giao phó. Ở xã vùng cao, thiếu cán bộ nên Lử xung phong kiêm nhiệm rất nhiều vị trí. Ban ngày làm y tá chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đêm về Lử lại là một công an viên giữ gìn sự bình yên cho bản làng. Chưa hết, từ soạn thảo công văn giấy tờ, thủ quỹ... vị trí nào, Lử cũng làm tốt.
Không chỉ giỏi việc nước, Lử còn “đảm” cả việc nhà. Vùng đất Na Ư có khí hậu, đất đai rộng rãi thuận lợi cho việc chăn thả trâu, bò, dê, nhím nên Lử quyết định sử dụng 10 triệu đồng từ vốn vay của Đoàn để phát triển chăn nuôi. Từ gia tài một con bò, một con nghé và bốn tạ thóc bố mẹ cho làm vốn, mỗi năm, đàn gia súc tăng lên theo cấp số nhân. Đến nay Lử đã lập được trang trại chăn nuôi đại gia súc, trừ các khoản chi phí mỗi năm tích lũy được khoảng 280-300 triệu đồng.
Là Bí thư Đoàn xã, Và A Lử luôn đi đầu gương mẫu trong các phong trào vận động tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên nông thôn tích cực tham gia phát triển kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo. Hằng năm, Lử tạo điều kiện hỗ trợ con giống cho các gia đình đoàn viên nghèo từ 3-5 con tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6-7 lao động. Bí quyết làm giàu của chàng trai HMông này rất ngắn ngọn: “Cần cù, chịu khó và có chí quyết tâm làm giàu thì đất sẽ không phụ công con người”.
|
Ước mơ “bay xa” hơn nữa
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quảng cáo Hoàng Tân Hương (Thừa Thiên Huế) là một trong 5 “bông hoa” hiếm hoi được vinh dự đến với Festival lần này.

Hoàng Tân Hương
|
Khi còn là sinh viên ĐH Kinh tế (ĐH Huế), ngoài giờ học, Hoàng Tân Hương tranh thủ thời gian làm bất cứ việc gì: may, thêu thùa, dạy thêm… để trang trải học phí.
Bốn năm ĐH, mỗi tháng Hương tiết kiệm được từ 200.000-300.000 đồng. Số tiền tích lũy được từ làm thêm Hương gửi vào ngân hàng.
Năm 1998, ra trường, được nhận vào làm kế toán cho một công ty quảng cáo. Những ngày làm việc tại đây đã “thổi” vào Hương niềm đam mê thiết kế quảng cáo. Vốn là dân kinh tế nên Hương khá nhạy bén với thời cuộc, nhận thấy đây là một nghề sẽ phát triển trong tương lai, Hương xin nghỉ việc và mở một cơ sở quảng cáo nhỏ tại TP Huế.
Hương nhớ lại: “Lúc đó, có sở vật chất sơ sài lắm. Tài sản giá trị nhất là chiếc máy vi tính, Hương mua 10 triệu đồng từ tiền tiết kiệm hồi ĐH”. Công việc ngày một nhiều, trong khi không có vốn để mua vật tư, Hương quyết định vay mượn bạn bè đầu tư. Năm 2000, khi đã có một số vốn kha khá, Hoàng Tân Hương thành lập công ty quảng cáo.
|
 |
Muốn làm tốt công việc của mình, chỉ có một cách duy nhất là phải hiểu được lĩnh vực đó. Vừa làm, mình vừa cố gắng học thật nhiều lớp đào tạo như lớp quản trị kinh doanh, lớp kế toán trưởng, lớp tin học, lớp giám đốc điều hành... ". |
 |
Hoàng Tân Hương
|
|
|
Bên cạnh, dịch vụ in ấn, quảng cáo, trang trí, công ty còn đa dạng hóa dịch vụ. Cứ như vậy, doanh thu năm sau, cao hơn năm trước, thương hiệu công ty được nhiều người và đối tác biết đến. Đến nay, công ty đã xây dựng được nhà xưởng mới, mở nhiều chi nhánh ở Huế, Quảng Trị, Đắk Lắk, Gia Lai... và phát triển làm ăn sang Lào, Campuchia...
Với tâm niệm, học không bao giờ thừa, một khi có kiến thức, có kinh nghiệm sẽ giảm thiểu được rủi ro trong kinh doanh. Mặc dù là lãnh đạo doanh nghiệp, Hoàng Tân Hương vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học hành.
Hương trải lòng: “Bố mẹ mất sớm, các anh chị đều khó khăn nên mình phải tự lập từ nhỏ. Kinh nghiệm chưa có nên gặp không ít nhiều có khăn trong kinh doanh. Muốn làm tốt công việc của mình, chỉ có một cách duy nhất là phải hiểu được lĩnh vực đó. Vừa làm, mình vừa cố gắng học thật nhiều lớp đào tạo như lớp quản trị kinh doanh, lớp kế toán trưởng, lớp tin học, lớp giám đốc điều hành... ".
Ngoài bằng ĐH Kinh tế chuyên ngành Tài Chính - Kế toán, chị Hương đã lấy thêm bằng Thạc sĩ kinh tế tại Philippines, bằng ĐH Anh văn, bằng Quản trị kinh doanh.
Mục tiêu Công ty Quảng cáo Hoàng Tân Hương là sẽ trở thành trong những thương hiệu quảng cáo hàng đầu tại Thừa Thiên -Huế và khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Với thành tích trên, năm 2010 chị Hoàng Tân Hương được tuyên dương là một trong số 35 gương mặt tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên - Huế; được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, T.Ư Hội Doanh nhân trẻ; Hiệp hội Quảng cáo...
Hưởng ứng Cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp làm giàu chính đáng” của Hội LHTN Việt Nam, nhân kỷ niệm 54 năm ngày truyền thống của Hội LHTN Việt Nam (15.10.1956 – 15.10.2010), ngày Doanh nhân Việt Nam (ngày 13.10), được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh Bắc Ninh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam chỉ đạo TW Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Cổng tri thức Thánh Gióng và phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh, Tập đoàn Hanaka tổ chức chương trình Festival thanh niên làm kinh tế giỏi dựng xây đất nước “Tỏa sáng hào khí ngàn năm” và Lễ tuyên dương 100 thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu trong cả nước vào ngày 15.10.2010 tại Khu di tích Đền Đô, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.
Tham dự Chương trình Festival có 1.500 đại biểu khách mời là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; doanh nhân trẻ thành đạt, thanh niên làm kinh tế giỏi, sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Tại Chương trình Festival sẽ tổ chức Phát động Chương trình “1.000 doanh nhân trẻ đỡ đầu 1.000 ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên” để cổ vũ, động viên 28 triệu thanh niên đi đầu trong phong trào học tập, lập thân, lập nghiệp. Từ sau 15.10, chương trình sẽ được triển khai rộng khắp trong 63 tỉnh, thành của cả nước.
Tại Festival, các doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Trung Nguyên), Mẫn Ngọc Anh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hanaka), Bùi Văn Quân (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Quân Strong) sẽ chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp thú vị, những trải nghiệm của một thời gian khó và những kinh nghiệm tích lũy được qua mỗi lần qua “ải thương trường”.
Cũng tại Festival này, các bạn trẻ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm lập thân, lập nghiệp với các tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu. 100 thanh niên làm kinh tế giỏi đại diện cho 28 triệu thanh niên Việt Nam đã, đang đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước qui tụ trong chương trình Festival 15.10.
Được biết, các bạn trẻ đã khẳng định nghị lực và ý chí phấn đấu của tuổi trẻ với các số liệu ấn tượng về tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, doanh thu hơn 11.000 tỉ đồng, nộp ngân sách hơn 400 tỉ đồng, đóng góp hoạt động xã hội gần 20 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động…
|
Thu Hằng