Cảnh sát đang làm nhiệm vụ sau khi xe cứu thương (phía sau) vào nhà tù SantAnna trong một cuộc biểu tình của thân nhân các tù nhân ở Modena, Emilia-Romagna – một trong những khu vực cách ly của Italy. Ảnh: CNNCảnh sát đang làm nhiệm vụ sau khi xe cứu thương (phía sau) vào nhà tù SantAnna trong một cuộc biểu tình của thân nhân các tù nhân ở Modena, Emilia-Romagna – một trong những khu vực cách ly của Italy. Ảnh: CNN
 

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đêm 9/3 đã ký sắc lệnh mở rộng các biện pháp phong toả đang áp dụng ở miền bắc nước này ra toàn bộ đất nước sau khi có thêm 97 ca thiệt mạng và gần 1.600 ca nhiễm mới trong ngày. Như vậy, toàn bộ lãnh thổ với dân số 60 triệu dân của Italy sẽ phải hạn chế di chuyển trừ những trường hợp vô cùng khẩn cấp, người dân được kêu gọi ở yên trong nhà.

“Tất cả các biện pháp áp dụng tại các khu vực màu đỏ hiện đang được mở rộng ra tất cả vùng lãnh thổ quốc gia”, ông Conte nói trong một cuộc họp báo vào tối qua khi ông cũng tuyên bố cấm tất cả các sự kiện công cộng.

Thủ tướng Conte khẳng định, Italy phải làm tất cả để ngăn chặn virus và thời gian không còn nhiều.

“Quyết định đúng đắn nhất bây giờ là ở lại trong nhà. Italy sẽ không còn vùng đỏ, vùng số 1 hay vùng số 2 nào khác mà toàn bộ bán đảo Italy giờ đây sẽ trở thành một vùng được bảo vệ”, ông nói.

Thủ tướng cho biết động thái này được thực hiện để bảo vệ dân chúng, và đặc biệt là những cá nhân dễ bị nhiễm COVID-19 nhất.

 

Thông báo của ông Conte được đưa ra vào cuối một ngày hỗn loạn khi Italy chứng kiến nhiều cuộc bạo loạn nhà tù trên khắp đất nước, theo CNN.

Các tù nhân ở 4 nhà tù trên khắp Italy, Naples Poggioreale phía nam, Modena phía bắc, Frosinone ở miền trung Italy và tại Alexandria ở phía tây bắc, phản ứng trước quyết định tạm dừng cho phép người thân thăm nom các tù nhân nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch corona. Bạo loạn đã khiến một tù nhân chết và những người khác bị thương.

Cảnh sát kiểm tra các xe qua lại chốt kiểm soát giữa hai tỉnh Modena và Bologna. Ảnh: AFPCảnh sát kiểm tra các xe qua lại chốt kiểm soát giữa hai tỉnh Modena và Bologna. Ảnh: AFP

Cho tới nay, Italy ghi nhận 463 ca tử vong, 9.172 trường hợp nhiễm COVID-19.Việc áp lệnh phong tỏa lên toàn bộ lãnh thổ của Italy là phản ứng cứng rắn nhất được ghi nhận bên ngoài Trung Quốc đại lục trong nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19.

Antonio Pesenti, điều phối viên chăm sóc đặc biệt trong đơn vị ckhủng hoảng vùng Lombardy ở phía bắc, cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe tại đây “sắp quá tải” dù giới chức đã nỗ lực tăng cường các giường bệnh.

“Chúng tôi buộc phải thiết lập điều trị chăm sóc chuyên sâu ở các hành lang”, ông Pesenti nói. “Chúng tôi đã dọn sạch toàn bộ khu vực bệnh viện để tạo không gian cho những người bệnh nặng”.

Ông mô tả về một “cơn sóng thần bệnh nhân” đồng thời dự báo cuối tháng, số bệnh nhân có thể lên tới 18.000 nếu virus tiếp tục lây lan.

Tính tới sáng 10/3, toàn thế giới ghi nhận 114.285 trường hợp mắc COVID-19, hơn 4.000 ca tử vong. Mặc dù tình hình có dấu hiệu cải thiện ở châu Á – với Trung Quốc và Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới đang giảm dần, tình hình ở châu Âu và Bắc Mỹ dường như đang xấu đi.

 
Mọi người đeo khẩu trang khi mua sắm tại một siêu thị ở Milan, sau khi chính quyền Italy công bố cách ly miền bắc đất nước. Ảnh: CNNMọi người đeo khẩu trang khi mua sắm tại một siêu thị ở Milan, sau khi chính quyền Italy công bố cách ly miền bắc đất nước. Ảnh: CNN

Theo các quy tắc phong tỏa ban đầu, trường học, trường đại học, nhà hát, rạp chiếu phim, quán bar và câu lạc bộ đêm đã bị đóng cửa ở phía bắc Italy. Các nghi lễ tôn giáo, bao gồm đám tang và đám cưới, và các sự kiện thể thao đã bị đình chỉ hoặc hoãn lại. Các nhà hàng và quán bar chỉ được phép mở cửa từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, và các siêu thị hoặc chợ có thể mở vào các ngày trong tuần nếu họ có thể đảm bảo khoảng cách 3 feet (hơn 90 cm) giữa mỗi người.

Các hạn chế trên có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế vốn đã mong manh của Italy. Đại diện ngành du lịch Italy tháng trước cảnh báo 200 triệu euro (260 triệu USD) tiền đặt phòng đã bị hủy kể từ khi dịch bệnh được công bố lần đầu tiên.

Chính phủ Italy đang chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ công nhân và doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực và khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh để cố gắng ngăn chặn “thiệt hại lâu dài đối với nền kinh tế và việc mất việc làm vĩnh viễn”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi “tất cả các quốc gia tiếp tục nỗ lực có hiệu quả trong việc hạn chế số lượng các trường hợp nhiễm và làm chậm sự lây lan của virus”.

Trong một tuyên bố, WHO cho biết: “Để virus lây lan một cách không kiểm soát không nên là sự lựa chọn của bất kỳ chính phủ nào, vì nó gây hại không chỉ cho công dân của quốc gia đó mà còn ảnh hưởng đến các nước khác”.