Hiện giao dịch trên thị trường ảm đạm, doanh nghiệp không bán được hàng trong khi lãi vay ngân hàng lên tới 20-25%/năm, nhiều doanh nghiệp bất động sản lo ngại sẽ bị phá sản nếu không nhận được sự hỗ trợ về vốn.
Trong cuộc họp báo Chính Phủ thường kì tháng 6 (1-7), đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết giá bất động sản vẫn còn cao hơn tháng 1-2010 và cao hơn giá tạo lập nên sẽ có xu hướng giảm trong tương lại, do vậy Thứ trưởng khẳng định sẽ không xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản vẫn có khả năng thanh toán với ngân hàng nên Bộ Xây dựng ủng hộ chính sách thặt chặt tiền tệ, doanh nghiệp phải vượt qua khó khăn trước mắt trong ngắn hạn.
Về việc một số chuyên gia kiến nghị không nên coi bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất, Thứ trưởng Nam tán thành với ý kiến này. Tuy nhiên, bất động sản vẫn phải nằm trong lĩnh vực bị kiểm soát dòng tiền, dòng tín dụng.
Ngày 27-6, Bộ Xây dựng đã gửi công văn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Theo đó, “Không tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, nhưng cần phải điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng bất động sản".
Cụ thể, giảm tỷ trọng một số khoản mục như: vay xây dựng khu đô thị; vay xây dựng văn phòng, cao ốc cho thuê; vay xây dựng để chuyển nhượng trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán; vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường giải phóng mặt bằng, khởi công dự án mới.
Đối với một số khoản mục cần phải tăng tỷ trọng cho vay, như: vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà để ở.
Một số khoản mục có thể giữ nguyên tỷ trọng, như: vay xây dựng - kinh doanh trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở hoặc đối với các dự án dở dang cần vốn để tiếp tục hoàn thành sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.
Đến cuối tháng 5, dư nợ cho bất động sản khoảng 220.000 tỷ đồng, giảm gần 7% với cuối năm 2010 và chiếm dưới 10% tổng dư nợ.