'Tiền rừng xanh' chặn tay lâm tặc

 Trong hơn nửa thế kỷ sống gần rừng, ông Lù Văn Thu – một người dân 57 tuổi tại bản Hốc, xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La – chỉ làm ruộng để kiếm sống. Nhưng từ năm 2009, ông có thêm một công việc mới: bảo vệ và chăm sóc một vạt rừng nhỏ. Thu nhập từ việc bảo vệ rừng của ông Thu trong năm 2009 vào khoảng 900.000 đồng.

Ông Thu chỉ là một trong hàng chục nghìn người tại tỉnh Sơn La đang bảo vệ rừng một cách tích cực để nhận "tiền rừng xanh" - nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng. Chi trả dịch vụ môi trường rừng là việc người thụ hưởng giá trị gián tiếp do hệ sinh thái rừng mang lại trả tiền cho người chăm sóc và bảo vệ rừng (chủ rừng).

Ngày 10/4/2008, Thủ tướng đã ban hành quyết định số 380 về chính sách thí điểm dịch vụ chi trả môi trường rừng (PES) tại hai tỉnh Sơn La và Lâm Đồng.

Rừng Sơn La cùng với hệ thống rừng Tây Bắc có chức năng phòng hộ, điều tiết nước cho hai công trình thủy điện lớn nhất tại Việt Nam (thủy điện Hòa Bình và Sơn La) cùng hơn 100 công trình thủy điện vừa và nhỏ trên khắp đất nước. Chính quyền tỉnh đã thành lập hệ thống quản lý và chi trả dịch vụ môi trường rừng ở cấp tỉnh, huyện và xã. Đối tượng hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng bao gồm toàn bộ chủ rừng thuộc vùng lưu vực sông Đà trong phạm vi hành chính của tỉnh Sơn La. Những dịch vụ mà rừng Sơn La cung cấp bao gồm: điều tiết và cung ứng nguồn nước, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, chống bồi lắng lòng hồ. Rừng được giao cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng, tổ chức của bản và tổ chức nhà nước.

Mức chi trả tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng là 20 đồng/KWh đối với thủy điện và 40 đồng/m3 đối với nước sinh hoạt, 1-2% tổng doanh thu từ hoạt động du lịch. Số tiền mà các doanh nghiệp mua dịch vụ sẽ được đưa vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh để chi trả cho các tổ chức, hộ dân bảo vệ rừng.

Nông dân Lù Văn Thu
Nông dân Lù Văn Thu khẳng định ông không thấy người dưới miền xuôi lên Sơn La để lùng gỗ và tình trạng phá rừng giảm mạnh từ khi tỉnh thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Minh Long.

Giống như ông Thu, trước năm 2009 bà Cà Thị Chính – một người dân trong độ tuổi tứ tuần tại bản Ót Nọi, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La – chưa bao giờ quan tâm tới rừng. Bà từng nghĩ con người chỉ có thể kiếm được tiền bằng cách lấy gỗ, động vật, măng hoặc một loại lâm sản nào đó trong rừng. Giữ rừng để được tiền là điều bà chưa bao giờ nghĩ tới.

"Khi nghe cán bộ xã phổ biến về dịch vụ môi trường rừng tôi cảm thấy thông tin rất mới mẻ và lạ", bà Chính kể.

Trưởng bản Ót Nọi, ông Quàng Văn An, nói rằng 52 nhóm hộ, 53 hộ và một đoàn thể trong bản được trả "tiền rừng xanh".

"Dân bản chăm sóc, bảo vệ rừng để rừng chống xói mòn, cấp nước cho nhà máy thủy điện và nhà máy nước nên được trả công. Mọi người đều cảm thấy vui vì được trả công cho việc bảo vệ rừng", ông An tâm sự.

Rừng trồng tại bản Buôm Pàn, xã Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: Minh Long.

Số tiền mà bác Thu và cô Chính nhận từ hoạt động bảo vệ rừng tuy nhỏ, song nó đang tạo ra động lực lớn để họ giữ gìn rừng.

"Từ ngày người dân được nhận tiền rừng xanh, tôi không thấy thương lái dưới xuôi lên đây để lùng mua gỗ nữa. Những vụ phá rừng và cháy rừng giảm hẳn. Nhận tiền của nhà nước rồi nên chúng tôi rất sợ nếu không hoàn thành trách nhiệm với rừng. Mỗi khi cháy rừng xảy ra, những người đi dập lửa sẽ được trả công nên mọi người đều hăng hái tham gia cứu rừng", ông Thu nói.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Păm, ông Tòng Văn Pùa, cho hay, mọi chủ rừng đều phải ký cam kết bảo vệ rừng với ủy ban nhân dân xã. Sau đó hàng năm xã sẽ nghiệm thu chất lượng rừng để lập biên bản đánh giá rồi chuyển lên huyện. Cán bộ thường trực lâm nghiệp của huyện sẽ kiểm tra ngẫu nhiên khoảng 5-10% mẫu rừng trong xã rồi lập tờ trình để ủy ban nhân dân huyện phê duyệt hồ sơ chi trả. Thông tin chủ rừng và số tiền chi trả được niêm yết tại trụ sở ủy ban xã và nhà văn hóa các thôn, bản để người dân theo dõi. Sau đó chủ rừng tới trụ sở ủy ban xã để nhận tiền.

"Các nhóm hộ và cộng đồng đã trích một phần tiền rừng xanh để trả công cho những người tuần tra rừng, mua sắm những dụng cụ chống cháy. Trước đây, do các nhóm hộ và cộng đồng không có kinh phí thường xuyên nên công tác phòng chống cháy rừng chưa được quan tâm sát sao và thường xuyên", ông Pùa nói.

Bà Chính ở bản Ót Nọi cho hay, hai người của bản tuần tra rừng hàng ngày. Nếu phát hiện cháy rừng hay lâm tặc, họ sẽ trở về bản để báo mọi người. Các cuộc họp để thảo luận các biện pháp bảo vệ rừng thường xuyên được tổ chức. Người dân trong bản quyết định sử dụng tiền rừng xanh để xây dựng một nhà văn hóa khang trang vào năm 2009.

Công việc của cán bộ kiểm lâm trở nên đỡ vất vả hơn nhờ chương trình thí điểm. Anh Bùi Xuân Mạnh, một cán bộ kiểm lâm làm việc tại xã Chiềng Cọ, nói rằng giờ đây người dân không còn thờ ơ khi những sự cố xảy ra trên rừng mà chủ động báo với cán bộ kiểm lâm. Nhờ đó mà diện tích rừng tại xã Chiềng Cọ không giảm từ năm 2009 tới nay.

"Diện tích rừng không giảm trong vài năm là một thành quả đáng mừng đối với những cán bộ kiểm lâm" anh Mạnh giải thích.

Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Sơn La, tổng diện tích rừng của Sơn La được chi trả trong giai đoạn thí điểm là gần 422.000 ha. Gần 51.000 chủ rừng được nhận tiền chi trả. Tổng số tiền thu được trong năm 2009 và 2010 mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam chuyển cho tỉnh Sơn La là 113 tỷ đồng.

Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Sơn La, ông Lương Thái Hùng, cho biết, tổng diện tích rừng của Sơn La tăng thêm khoảng 23.000 ha trong vài năm qua và chương trình thí điểm PES là một trong những nguyên nhân khiến diện tích rừng tăng. Theo ông, trước đây nhiều người dân đã nhận rừng để bảo vệ nhưng không biết rừng của họ nằm ở đâu. Từ khi nhận tiền rừng xanh, họ chẳng những tới rừng thường xuyên mà còn chủ động đo đạc diện tích và trồng thêm cây. Thu nhập từ rừng của người dân tăng rõ rệt - trong đó thu nhập của nhiều người tăng gấp đôi - và hàng nghìn việc làm được tạo ra trong chương trình thí điểm.

"Số tiền dịch vụ môi trường rừng mà người dân nhận không lớn, nhưng nó đã tạo nên tác động lớn và tích cực về mặt tinh thần. Hiểu biết của người dân đối với rừng đã tăng và ý thức tái tạo rừng cũng chuyển biến mạnh", ông Hùng khẳng định.

Minh Long


Giày Đại Phát solution
Số người online:
31305
Số người truy cập:
9204299