Nhiều người gọi đùa món hủ tiếu Nam Vang là món ăn "đa sắc tộc". Bởi nó có nguồn gốc từ Campuchia, do người Hoa chế biến cho người... Việt thưởng thức.
Tô hủ tiếu Nam Vang nguyên gốc của người Tiều bên Campuchia chỉ có thịt heo nạt xắt miếng và bằm, đĩa rau ăn kèm gồm xà lách, giá. Về đến Sài Gòn lại có thêm nhiều chất đạm phụ như tôm sú, tim, gan, phèo non, trứng cút…
Nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Sau đó trụng sơ mì với nước dùng rồi mới cho các nguyên liệu phụ vào. Tùy theo khẩu vị của từng người, có thể thay thế lòng heo bằng tôm, cua, mực... Nhưng nhất thiết phải có thịt băm. Và đĩa rau ăn kèm món này cũng đa sắc hơn nhờ có thêm rau cần, tần ô, hẹ. Nhờ vậy tô hủ tiếu đã ngon lại còn hấp dẫn hơn rất nhiều.
Nước dùng muốn đạt được chất lượng cao phải nấu bằng xương ống của heo, một ít mực khô, tôm khô, đun lửa cháy liu riu, liên tục vớt bọt để cho một thứ nước trong vắt ngọt lịm.
Gần 20 quán hủ tiếu Nam Vang phân bố khắp các quận tại Sài Gòn có chất lượng suýt soát nhau, trong đó 4 quán hủ tiếu Nam Vang nổi tiếng nhất trên đất Sài Gòn: Hủ tiếu Hồng Phát - đường Võ Văn Tần, Hủ tiếu Tylum - đường Huỳnh Mẫn Đạt, Hủ tiếu Liến Húa - đường An Dương Vương, Hủ Tiếu Song Nguyên - đường Bùi Hữu Nghĩa.