Ngày 1/10 tới, thời điểm Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước về các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng sẽ đi vào thực thi. Thông tư này ban hành nhằm đảm bảo thống nhất cách hiểu và triển khai thực hiện; trong đó rà soát kỹ về các khái niệm, cách xác định các tỷ lệ đảm bảo an toàn, xử lý những bất cập trong quá trình thực hiện của tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, tại hội thảo " Kinh tế Việt Nam 2010, triển vọng năm 2011" hôm 22/9, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, những quy định về an toàn vốn trong Thông tư 13 nếu tiệm cận với hệ số rủi ro của Basell 3 thì tốt nhưng vượt xa là điều không cần thiết, thậm chí gây áp lực và làm méo mó thị trường. Theo ông Nghĩa, chỉ số an toàn vốn tối thiểu CAR của ngân hàng thương mại Việt Nam được quy định theo Thông tư 13 là 9%, đang cao hơn chuẩn Basell 3 quy định 8% (12/9) một cách vô lý. Cũng theo Thông tư này, hệ số rủi ro tối đa quy định 250% đối với cho vay bất động sản và chứng khoán cao hơn nhiều so với quy định hệ số tối đa 150% của Basell 3. "Đây là điều không thực sự cần thiết, thậm chí làm cho thị trường bất động sản và chứng khoán bị ảnh hưởng nặng", ông Nghĩa nói. Vị Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay không phải là tăng tỉ lệ an toàn vốn cao để quản trị rủi ro. Mà đó là sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về hệ thống kế toán, báo cáo tài chính và phân loại tài sản. Còn một số chuyên gia khác cho rằng, việc cho phép các nhà băng chỉ được sử dụng 15% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức để cho vay là quá thấp. Đồng thời, loại luôn vốn tự có vào vốn cho vay và chỉ được sử dụng 80% vốn huy động khiến thực tế các ngân hàng chỉ có thể sử dụng trên dưới 60% vốn để cho vay. Các chuyên gia nhận định, nếu Thông tư 13 không được chỉnh sửa phù hợp dễ làm cho thị trường tín dụng càng phức tạp. Tình trạng thỏa thuận ngầm giữa ngân hàng và người gửi nhằm biến tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn ngắn. Tức khách đến gửi tiền không kỳ hạn (muốn rút bất kỳ lúc nào cũng được) nhưng trên sổ tiết kiệm ghi là tiền gửi kỳ hạn 9 tháng hoặc12 tháng... và được hưởng lãi 11,2%. Ngoài ra, những rủi ro lãi suất có thể tích tụ nợ xấu (hợp đồng cho vay ngắn hạn được nhà băng biến thành vay trung và dài hạn để áp lãi suất cao)... Những tình trạng thiếu minh bạch trên sẽ làm cho việc giám sát khu vực ngân hàng trở nên phức tạp, không hiệu lực và hiệu quả. Tuy nhiên, ông Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, Thông tư 13 là một bước tiến cực kỳ tiến bộ và cần thiết cho hệ thống tài chính của Việt Nam. Bởi lẽ, có ít nhất hai mấu chốt quan trọng. Thứ nhất là việc nâng hệ số đủ vốn lên 9% chính là cơ sở cần thiết để nâng cao tiềm lực tài chính của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Riêng quy định vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng và cao hơn sẽ có hai ý nghĩa: Tránh được tình trạng bị chi phối bởi một hay vài cá nhân. Giảm được tâm lý ỷ lại vì với một số vốn đáng kể thì chủ sở hữu ngân hàng sẽ hành động có trách nhiệm hơn. Còn việc nâng trọng số rủi ro trong lĩnh vực cho vay bất động sản và chứng khoán lên 250%, ông Du cho đó nhằm đảm bảo các ngân hàng thương mại hạn chế tham gia vào các hoạt động kinh doanh rủi ro. "Nếu anh muốn tham gia sân chơi mạo hiểm thì anh phải đảm bảo những điều kiện an toàn tối thiểu của cuộc chơi", ông nói. Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM không tiết lộ hiệu lực thi hành của Thông tư 13 có thay đổi không, nhưng ông cho biết, có thể Thông tư này sẽ có một vài điều chỉnh nhỏ về mặt kỹ thuật, nhưng sẽ đảm bảo các ngân hàng thương mại đáp ứng các quy định về an toàn hệ thống. Lệ Chi
Nhiều chuyên gia lo ngại thị trường tín dụng bị méo mó theo thông tư 13. Ảnh:Hoàng Hà