Thị trường Malaysia đang khát lao động Việt Nam

Đầu tháng 9, Công cổ phần Việt Hà đã cho xuất cảnh gần 80 lao động sang Malaysia, làm việc tại nhà máy lắp ráp điện tử Canon và Hitachi của Nhật Bản. Mức lương ký với chủ nước ngoài là 19 ringgit một ngày. Nếu kể cả làm thêm giờ, lao động thu nhập mỗi tháng khoảng 1.100 ringgit (5 triệu đồng Việt Nam).

Giải thích lý do chọn Malaysia, chị Hoàng Thị Lệ, quê xã Nghi Hải (thị xã Cửa Lò, Nghệ An), người đã có 2 năm làm việc tại quốc gia này, cho biết: "Từ hồi ở bên đó, tôi đã biết mức lương ở nhà máy của Nhật Bản rất tốt. Cô hàng xóm đang làm việc ở Canon gọi điện về thông báo thu nhập trung bình mỗi tháng 5 triệu đồng".

Lệ cho biết, rất muốn đi Hàn Quốc như bạn trai, nhưng nhà nghèo, bố bị liệt đã 17 năm nay, không nghề, cũng không thể chờ đợi để học tiếng Hàn và chờ chủ Hàn Quốc chọn, nên chị đã đăng ký đi Malaysia. "Chỉ một tháng là tôi xong thủ tục, chi phí đi thấp (20 triệu đồng). Mong sao tháng kiếm được 4 triệu đồng là mãn nguyện lắm rồi", Lệ tâm sự.

Cũng như Lệ, gia đình hai chị em Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Vinh ở xã Nghi Hợp (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) rất nghèo. Cả 6 miệng ăn chỉ trông vào 4 sào ruộng, mà cũng chỉ cấy được một vụ. Hai chị em đã phải bỏ học giữa chừng, dạt xuống Hải Phòng làm giầy da. "Lương tháng chỉ 1,2 triệu đồng, chật vật lắm mới nuôi nổi thân, chứ chưa thể phụ giúp cha mẹ nuôi hai em trai", Hiền cho biết.

Vì thế, khi được công ty cho vay tiền, hai chị em đã đăng ký cùng làm việc tại nhà máy Canon. "Nói thật lúc đầu bố mẹ không ủng hộ tụi em, vì ở xã có nhiều trường hợp đi Malaysia lương thấp. Nhưng đi Đài Loan, Hàn Quốc thì tụi em không có tiền. Xem kỹ hợp đồng, tính đi tính lại, nếu làm ruộng, hoặc làm thuê thì chẳng bao giờ gia đình em có thể tích lũy mỗi năm vài triệu đồng", Hiền chia sẻ.


Trước khi đi, mẹ của Hiền và Vinh đã buộc dây, được coi là lá bùa hộ mệnh, vào tay con gái để mong mọi chuyện tốt đẹp. Ảnh: H.K.

Theo ông Lưu Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Việt Hà, chính trong bối cảnh khó khăn, ít chịu sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nên Việt Hà có cơ hội kén chọn những hợp đồng tốt, điều kiện làm việc bảo đảm và mức thu nhập khá. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã đưa gần 600 lao động đi Malaysia, làm việc cho hai nhà máy Canon, Hitachi của Nhật Bản.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp tuyển được lao động đi Malaysia không nhiều. Ông Đặng Mạnh Sức, Giám đốc Trung tâm phát triển việc làm và xuất khẩu lao động (thuộc Virasimex), cho biết, từ đầu năm đến nay, trung tâm mới đưa được 27 người, thấp nhất từ trước đến nay. "Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn hàng với điều kiện làm việc tốt, thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng mỗi tháng, nhưng phải từ chối đối tác vì không tuyển được người", ông Sức nói.

Giám đốc Sức cho biết đã xuống địa phương tổ chức nhiều hội nghị khách hàng, lo chi phí ăn uống, đi lại, rất tốn kém, nhưng chẳng tuyển được. "Lao động chê Malaysia lương thấp, gặp nhiều rủi ro, trong khi không xét đến nếu ở nhà, với trình độ học hết cấp 2, không có nghề, mỗi tháng họ kiếm chưa nổi một triệu đồng. Rủi ro ở Malaysia cũng có, nhưng không nhiều", ông Sức nói.

Không chỉ trung tâm của ông Sức, hàng trăm công ty xuất khẩu lao động đã phải từ chối rất nhiều đơn hàng từ Malaysia do không tuyển được người. Nếu các năm 2005-2007, mỗi tháng Việt Nam xuất cảnh 2.500 lao động sang Malaysia thì từ đầu năm tới nay mỗi tháng chưa tới 1.000.


Hiện có hơn 100.000 lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia. Ảnh: H.K.

Đánh giá về thị trường Malaysia, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng mặc dù có một số phát sinh, nhưng Malaysia vẫn thích hợp với lao động nghèo, không có nghề, trình độ thấp. "Bây giờ không còn kiểu vơ bèo gạt tép, ồ ạt đưa lao động với bất cứ giá nào như trước nữa. Doanh nghiệp phải chọn hợp đồng thật tốt mới hấp dẫn lao động", ông Quỳnh nói.

Cục trưởng Quỳnh cho rằng mong muốn đi làm việc tại thị trường lương cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan là rất chính đáng, nhưng lao động phải hiểu Hàn Quốc mỗi năm chỉ tiếp nhận chừng 10.000, lại phải thi tiếng Hàn rất khắt khe. Nhật Bản cũng chỉ tuyển tối đa 5.000 người, đòi hỏi có tay nghề. Các thị trường khác chi phí cao, đòi hỏi phải biết tiếng, thậm chí có bằng nghề do nước bạn cấp.

Để hạn chế những rủi ro cho lao động, Cục Quản lý lao động nước ngoài đã chỉ đạo doanh nghiệp phối hợp với Ban quản lý lao động tại Malaysia phải lựa chọn hợp đồng tốt, phải xuống tận doanh nghiệp để thẩm định kỹ điều kiện làm việc, sinh hoạt và mức lương của lao động trước khi ký kết. "Phải tính làm sao tổng thu nhập mỗi năm của lao động không được dưới 9.000 ringgit", ông Quỳnh nói.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1442
Số người truy cập:
4761575