Xu hướng giảm lãi suất là khá rõ ràng với nhóm ngân hàng lớn, khi nguồn vốn của các ngân hàng này khá dồi dào.
Đây là thông tin phần nào đã được dự báo và kỳ vọng trước đó, trong đó có đề cập khả năng Chính phủ có thể dùng “ý chí” để hạ lãi suất trước tình hình đòi hỏi cấp bách hiện nay của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù mang nghĩa khá hành chính, người viết nhìn nhận đây là một động thái mang tính tích cực và kịp thời trong bối cảnh hiện tại.
Trước hết, phải khẳng định tính cơ sở của việc hạ lãi suất. Như đã từng đề cập, băn khoăn lớn nhất để hạ lãi suất, ngoài vấn đề lạm phát, là giải quyết thanh khoản ngân hàng. Điều này gây nên những lo ngại rằng lãi suất có thể cần một thời gian rất lâu nữa mới có thể hạ do thanh khoản khó có thể được giả quyết ngay.
Tuy nhiên, quan sát cách xử lý hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, có thể thấy Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện một bước đi dứt khoát trong việc tách bạch những nhóm ngân hàng yếu - khó khăn thanh khoản để xử lý riêng, với hệ thống còn lại.
Có thể hình dung đây là cách “khoanh vùng để chữa bệnh” để những khó khăn về thanh khoản này không bị lây lan và ảnh hưởng đến toàn hệ thống.
Trên thị trường ngân hàng, hiện có thể thấy hai bộ phận. Một bên là nhóm các ngân hàng lớn dồi dào thanh khoản, với lãi suất có xu hướng hạ khá rõ ràng. Một bên là nhóm các ngân hàng yếu vẫn huy động trần (thậm chí vượt trần), với tình hình lãi suất vẫn rất căng thẳng.
Nếu tách bạch được hai bộ phận này, thì các thông tin về khả năng hạ lãi suất là có thực, và nó sẽ đến từ nhóm các ngân hàng lớn, với nguồn khách tốt và thanh khoản ổn định.
Nhóm ngân hàng yếu kém còn lại chỉ chiếm dưới 10% thị phần, nên nếu Ngân hàng Nhà nước khoanh lại, chủ động bơm tiền xử lý và đóng của huy động lãi suất cao của các ngân hàng này trên thị trường, thì có thể hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề thanh khoản nhóm ngân hàng này lên hệ thống.
Xu hướng giảm lãi suất là khá rõ ràng với nhóm ngân hàng lớn, khi nguồn vốn của các ngân hàng này khá dồi dào bởi một số lý do: (i) dòng vốn chảy từ các ngân hàng lớn sang ngân hàng nhỏ trên thị trường liên ngân hàng không còn như xưa do những vấn đề về tín nhiệm giữa các ngân hàng và (ii) khách hàng tốt thực chất không muốn vay với lãi suất như hiện nay.
Cần nói thêm là khi đầu ra cho vay bị hạn chế, các ngân hàng có thể dùng tiền mua các tài sản khác như trái phiếu Chính phủ và thực tế cho thấy lãi suất trái phiếu Chính phủ đã hạ khá mạnh trong thời gian qua (xem biểu đồ bên dưới). Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng ngày 1/3 kỳ hạn qua đêm chỉ còn 9,66% một năm, giảm 1,4% so với hôm 29/2. Trước đó, trong hai ngày 27/2 và 29/2, lãi suất cho vay thị trường 2 kỳ hạn 2 tuần giảm xuống lần lượt là 9,44% và 9,67% là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình trạng dồi dào thanh khoản tại nhóm ngân hàng lớn.