Thanh Hóa ngừng dùng thịt lợn trong 10 ngày

Chiều 5/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Ninh triệu tập cuộc họp bất thường với lãnh đạo các ban, ngành, huyện, thị trong tỉnh để triển khai một số biện pháp cấp bách hạn chế sự lây lan dịch tai xanh.

Theo báo cáo của Sở NN & PTNT, hết ngày 5/4, toàn tỉnh có gần 28.000 con lợn ở 117 xã của 9 huyện gồm: Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Quảng Xương, Yên Định, Đông Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc và Như Thanh bị nhiễm bệnh, nhưng mới có hơn 1.000 con bị tiêu hủy. Dịch bệnh tai xanh lây lan nhanh do tình trạng lợn ốm, chết không được các địa phương và ngành chức năng quản lý chặt chẽ, nhiều hộ dân bán chạy lợn ốm.

Ngày 3/4, ngay sau khi Thanh Hóa công bố dịch lợn tai xanh, các địa phương trong tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, lập hàng trăm chốt kiểm soát. Các địa phương được cấp 16 bình bơm động cơ, 12 tấn hóa chất dùng phun tiêu độc, khử trùng tại các ổ dịch, vệ sinh chuồng trại, nơi buôn bán giết mổ...

Tuy nhiên việc tiêu hủy số lợn ốm chết chưa kịp thời và chỉ tiêu hủy những con ốm nặng, chết. Thậm chí, do "của đau, con xót", nhiều gia đình còn ngăn cản các cơ quan chức năng thực hiện việc tiêu hủy.

Để đảm bảo an toàn cho số gia súc còn lại các địa phương, Thanh Hóa cho phép xe công nông được tham gia vận chuyển lợn, và rắc vôi bột trên các trục đường liên xã, liên thôn. Quân đội, công an, thanh niên sẽ được tăng cường xuống cơ sở tham gia dập dịch.

UBND tỉnh đang xem xét hỗ trợ cho mỗi kg lợn tiêu hủy là 20.000 đồng. Đồng thời tạm dừng toàn bộ hoạt động giết mổ, buôn bán lợn, thịt lợn, sản phẩm từ lợn trên phạm vi toàn tỉnh từ 6/4 đến 15/4.

Theo đó, Chủ tịch UBND huyện nào, xã nào để lợn vận chuyển ra khỏi địa bàn mình phụ trách và thực hiện không kiên quyết, triệt để theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sẽ bị đình chỉ công tác để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.

Tại cuộc họp chiều 5/4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng đề nghị Thanh Hóa chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh và ngăn chặn dịch bệnh. Bộ sẽ quan tâm và có mức hỗ trợ cao nhất về vật tư, thiết bị, kinh phí cho tỉnh xử lý dịch bệnh.

Trước đó, tròn 7 tháng sau khi bỏ lệnh cấm ăn thịt lợn do lo ngại bệnh tai xanh, ngày 3/4, dịch bệnh lại xuất hiện tại Quảng Nam.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
938
Số người truy cập:
4760601