Tháng 6 đã "bỏ lỡ cơ hội" giảm giá xăng?

Có phải chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội giảm giá xăng dầu hồi tháng 6 vừa qua? Ý kiến của Bộ Tài chính là không, trong khi Bộ Công Thương khẳng định là có. Và lý do khiến giá xăng dầu không thể giảm được Bộ Tài chính đưa ra là do các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu đầu mối xăng dầu đua nhau nâng mức chiết khấu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã bác lý do này. Thực tế, hai Bộ được Chính phủ giao quản lý mặt hàng nhạy cảm này lại không có chung quan điểm.

“Không” - do phải chiết khấu quá cao

Ngày 2-8, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), khẳng định việc lỡ cơ hội giảm giá là không có. Nguyên do DN đầu mối nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh, tăng mức chiết khấu lên quá cao khiến giá xăng dầu không thể giảm được trong tháng 6 qua.

Ông cho hay hiện mức chiết khấu là do DN nhập khẩu đầu mối thỏa thuận với các tổng đại lý và đại lý. Những DN như Tổng Công ty Xăng dầu VN có hệ thống đại lý thì giữ được chiết khấu ở mức trung bình. DN không có đại lý, mạng lưới thì thường bị đại lý ép ngược lại. DN nhập khẩu muốn giải phóng hàng tồn kho nhanh thì buộc phải tăng chiết khấu. DN này tăng buộc DN khác cũng phải tăng khiến DN khó tính đến chuyện giảm giá.

Tháng 6 đã "bỏ lỡ cơ hội" giảm giá xăng?, Tin tức trong ngày, giam gia xang, gia xang dau, tang gia xang, tin hot, tin hay, tin tuc

Bộ Công thương và Bộ Tài chính được Chính phủ giao quản lý xăng dầu lại không có chung quan điểm

Theo ông Thỏa, Bộ Tài chính cho rằng, Bộ Công Thương cần phải nắm tình hình mạng lưới, hệ thống đại lý, đặc biệt cần lưu ý việc điều phối nhập khẩu xăng dầu hiện nay. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương xem xét lại việc nhập khẩu của các DN đầu mối, đừng để tình trạng DN nghiêm túc thì nhập theo kế hoạch được giao còn một số DN khác chỉ nhằm lúc giá thấp mới nhập về. “Để chống cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN, vừa rồi Bộ Tài chính đã nâng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng lên 5%” - ông Thỏa giải thích.

“Có” - vì lợi nhuận quá rõ


Tuy nhiên, trái với quan điểm của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho rằng việc lỡ cơ hội giảm giá xăng dầu trong tháng 6 là có. Bộ Công Thương tính toán DN lãi khoảng 900 đồng/lít xăng, dầu nên đã đề xuất chỉ tăng thuế 2% và trích quỹ bình ổn thêm khoảng 400 đồng/lít để có nguồn ngăn tăng giá bán lẻ trong nước khi giá thế giới tăng cao. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng diesel và dầu hỏa là 5% và trích quỹ bình ổn xăng thêm 100 đồng/lít.

Hiện DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu đang lỗ khoảng 600 đồng/lít xăng, 400 đồng/lít dầu diesel. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đang tính để xử lý chênh lệch này.

“Việc các DN lỡ cơ hội giảm giá xăng dầu không phải mắc ở việc DN chạy đua chiết khấu. Lợi nhuận định mức rất rõ là 300 đồng/lít xăng, dầu. Nếu có việc DN nhập khẩu đầu mối nâng chiết khấu nhiều cho đại lý thì cũng có thể hiểu là họ giảm lãi, thậm chí lỗ để tăng thị phần. Đó là chiến lược kinh doanh của DN” - ông An nhận định. Còn về việc DN tăng mức chiết khấu cho các đại lý, ông An cho biết là do bị tồn kho nhiều khi sản lượng tiêu thụ mấy tháng qua giảm, nhà nhập khẩu đầu mối xăng dầu phải bán ra cho đại lý để trả lãi ngân hàng.

Về mức chiết khấu, ông Thỏa cho biết hiện có DN đề xuất nên tính theo tỉ lệ giá. Song các bộ Tài chính và Công Thương phải cùng bàn bạc có nên quy định mức chiết khấu không trong khi cái gốc là việc nhập khẩu còn chưa điều phối tốt. Muốn làm được điều này, Bộ Công Thương cần phải tổng kết: Dự trữ lưu thông, kế hoạch nhập, tiến độ nhập của tất cả DN đầu mối nhập khẩu. Nếu có đưa ra quy định về tỉ lệ chiết khấu thì DN cũng thỏa thuận với các đại lý, cơ quan quản lý cũng không thể làm gì khi chưa giải quyết được cái gốc. Nếu cứ để tình hình như hiện tại thì cạnh tranh không sòng phẳng, bởi DN kêu lỗ trong khi chiết khấu cứ đẩy lên cao hơn 1.000 đồng/lít xăng, dầu là điều hết sức vô lý. Người tiêu dùng có quyền nghi vấn là liệu có chuyện nhà nhập khẩu bắt tay với đại lý để chia nhau lợi nhuận.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3969
Số người truy cập:
11802507