Thách thức với cơ chế tận dụng tài sản Nga để hỗ trợ Ukraine

 Cuộc tranh luận chính trị về việc Nga phải bồi thường bao nhiêu cho cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục diễn ra gay gắt ở phương Tây.

Với khoảng 300 tỷ USD tài sản Ngân hàng Trung ương Nga bị phong tỏa ở các nước phương Tây, phương án sử dụng chúng để hỗ trợ Ukraine tưởng chừng như dễ dàng. Tuy nhiên, với các nước châu Âu, loạt thách thức pháp lý và chính trị phức tạp đang ngăn cản họ thực hiện điều này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lễ nhậm chức tại Điện Kremlin ở Moskva ngày 7/5. Ảnh: Reuters

Các nước thành viên EU gần đây đã đồng ý trích khoản lợi nhuận khoảng 3,2-5,4 tỷ USD mỗi năm từ tài sản Nga bị đóng băng ở châu Âu để hỗ trợ Ukraine. 90% trong số đó sẽ được chuyển đến quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu nhằm bảo đảm việc cung cấp vũ khí tới Kiev, trong khi 10% sẽ được bổ sung vào quỹ cơ sở vật chất trị giá 54 tỷ USD của Ukraine.

Bất chấp thỏa thuận này, Mỹ vẫn đang gây áp lực buộc EU phải tiến hành những bước đi táo bạo hơn. Tổng thống Joe Biden muốn châu Âu tịch thu toàn bộ tài sản bị đóng băng của Nga để chuyển cho Ukraine.

Dù vậy, phương án trên hiện chưa được EU chấp nhận do những lo ngại về pháp lý và tính ổn định. Nhận thức được điều này, Mỹ giờ đây muốn tìm cách tối đa hóa lợi ích từ nguồn lợi nhuận mà khối tài sản bị đóng băng của Nga tạo ra.

Vài ngày trước cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới ở Washington, Mỹ nêu ý tưởng để nước này, hoặc cùng một số thành viên G7 khác, sẽ cung cấp hàng tỷ USD nợ mới cho Ukraine. Khoản nợ này được chuyển cho Kiev dưới hình thức tài trợ và được sử dụng để hỗ trợ nỗ lực quân sự của Ukraine. Sau đó, EU sẽ sử dụng lợi nhuận thu từ tài sản bị đóng băng của Nga để trả khoản nợ, cả gốc và lãi.

Nói cách khác, Mỹ sẽ cung cấp thanh khoản, châu Âu cung cấp khả năng trả nợ. Theo tính toán tổng thể, phương án này có thể huy động thêm hơn 80 tỷ USD cho Ukraine ngay trong đầu năm tới.

EU bị thuyết phục hơn với kế hoạch này của Mỹ, song vẫn còn vài lo ngại.

Quan ngại lớn nhất của EU là ý tưởng mà Mỹ đưa ra dựa trên nguồn doanh thu rất không ổn định từ tài sản cố định của Nga. Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 và tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cũng như hủy phong tỏa tài sản Nga?

Nhiều tuyên bố của G7 đã nêu rõ ý định buộc Nga phải bồi thường cho những thiệt hại vì xung đột ở Ukraine, nhưng vẫn chưa rõ liệu Trump có ủng hộ những cam kết này hay không.

EU cũng không muốn nhường lại quyền tự chủ về chính sách trừng phạt của mình cho Mỹ. Để đề xuất có hiệu quả, họ muốn phải có chính sách đảm bảo rằng mọi tài sản Nga bị đóng băng phải luôn trở trạng thái không thay đổi khi các khoản vay vẫn còn hiệu lực. Nhưng hiện tại, cơ chế trừng phạt của EU đối với Nga được xem xét lại 6 tháng một lần.

Thay đổi này là điều mà 24 nước thành viên EU không thuộc G7 sẽ phản đối quyết liệt, đặc biệt là Hungary. Họ cho rằng việc làm đó có nguy cơ gây suy yếu khả năng ngoại giao hay đàm phán với Nga. Đối với các quốc gia EU, nó cũng sẽ làm mờ ranh giới pháp lý giữa việc phong tỏa và tịch thu hoàn toàn tài sản, khơi dậy những lo ngại trước đây đối với đề xuất tịch thu ban đầu từ Mỹ.

Hơn nữa, tính không chắc chắn và không bền vững của dòng lợi nhuận từ tài sản đóng băng của Nga dẫn đến lo ngại làm cách nào họ có thể trả gốc và lãi cho Mỹ khi đến hạn nếu lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng.

Các nhà đầu tư sẽ muốn nhà nước đảm bảo, song điều này sẽ tác động đến tình trạng thâm hụt tài chính và hồ sơ nợ của các quốc gia thành viên, tạo thêm rào cản chính trị đối với đề xuất.

Theo quan điểm của EU, Mỹ cũng nên tham gia gánh vác việc trả nợ nếu nguồn lợi nhuận từ khối tài sản bị đóng băng của Nga sụt giảm. Vì vậy, để thuyết phục các đối tác G7, Nhà Trắng có thể sẽ cố gắng đưa ra cam kết đối với việc phát hành thêm nợ cho Ukraine, tùy thuộc vào sự chấp thuận trong tương lai của quốc hội. Như vậy, sau cùng, đảm bảo tài chính từ Mỹ vẫn tương đối lỏng lẻo và chịu rủi ro chính trị đáng kể ở trong nước, nếu đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện quốc hội sau cuộc bầu cử tháng 11.

Một sự đảm bảo chắc chắn hơn từ Mỹ sẽ là chìa khóa cho khả năng gia tăng lợi nhuận của EU. Một số quốc gia thành viên hoài nghi rằng Mỹ đang tìm cách sử dụng tiền của EU để giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ, vì đề xuất này tạo ra con đường khả thi để chuyển nhiều tiền hơn đến Ukraine, ít nhất là trong ngắn hạn.

Bất chấp quốc hội Mỹ gần đây đã chấp thuận khoản viện trợ bổ sung 61 tỷ USD cho Ukraine, những trở ngại với nỗ lực hỗ trợ Kiev vẫn chưa bị xóa bỏ và rủi ro hoàn toàn có thể nảy sinh nếu ông Trump tái đắc cử. Nhiều nước châu Âu lo ngại Trump có thể cắt hoàn toàn nguồn tài trợ cho Kiev nếu vào được Nhà Trắng.

Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao EU cho rằng khối không nên để Mỹ phải tự mình giải quyết những thách thức trong nước vì vấn đề của khối này, giống như chính EU đã phải vượt qua quyền phủ quyết từ Thủ tướng Hungary Viktor Orban để phê duyệt khoản viện trợ hơn 54 tỷ USD cho Ukraine.

"Chúng ta không nên để trút hết gánh nặng cho những người bạn Mỹ, buộc chính quyền và quốc hội của họ phải làm nhiều hơn nữa", một quan chức EU nói.

Một tòa chung cư ở làng Ocheretino, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, bị hư hại sau các cuộc pháo kích và không kích ngày 15/4. Ảnh: AFP

Việc thiết lập một cơ chế tài chính mới theo ý tưởng của Mỹ cũng sẽ tạo ra những thách thức về quản trị và hành chính riêng, như ai là người quyết định tiền sẽ được chi vào đâu. Các nước châu Âu đến nay vẫn kiên quyết không sử dụng "tiền của EU" để mua vũ khí Mỹ.

Nó cũng yêu cầu sự thay đổi pháp lý đối với thỏa thuận gần đây của EU về nơi lợi nhuận sẽ được chuyển đến. Điều này có thể thực hiện được, nhưng không dễ dàng, vì cần phải đạt được đồng thuận chung.

Dù vậy, đề xuất mới nhất từ Washington nhấn mạnh mong muốn của chính quyền Biden và EU là tiếp tục hậu thuẫn Ukraine và cố gắng vượt qua những rủi ro chính trị tiềm ẩn do cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.

"Vì vậy, một thỏa thuận tận dụng thêm tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine dường như vẫn có khả năng thành hiện thực, ngay cả khi nó sẽ mất thời gian", bình luận viên Mujtaba Rahman từ Politico đánh giá.

Vũ Hoàng (Theo Politico, Reuters, AFP)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11742
Số người truy cập:
5100878