Tái diễn 'điệp khúc' đào đường, kẹt xe ở TP HCM

Tại cửa ngõ phía Đông thành phố, chỉ trên một đoạn ngắn khoảng một km của đường Phan Đăng Lưu, trục giải toả xe của bến xe miền Đông, có tới 3-4 rào chắn án ngữ. Giờ tan tầm, các phương tiện chen chúc nhau đi qua con đường chật hẹp, rộng chưa đầy 3 m.

Tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (cùng với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh quận Bình Thạnh tạo thành mạng lưới giao thông từ phía Đông vào trung tâm thành phố) cùng chung cảnh ngộ với 3 "lô cốt" hiện hữu, khiến người dân chưa kịp toát mồ hôi khi đi qua "nút thắt" thứ nhất đã hít tiếp khói bụi vì kẹt xe ở công trình thứ hai.

Anh Lê Trung Nguyên, nhà ở quận 3 bức xúc: "Năm nay cũng đào đường, không biết bao giờ mới xong. Nhiều khi tan sở tôi ở lại làm việc không muốn về vì sợ kẹt xe". Chị Thanh Nghiệp, cơ quan ở Phú Nhuận mấy ngày gần đây liên tục bị trễ làm vì phải mất trung bình 10 phút mới qua được một chỗ thắt cổ chai.  

Đường Điện Biên Phủ, đoạn giữa Nguyễn Thiện Thuật - Cao Thắng, quận 10, xuất hiện nút thắt khiến con đường chỉ còn một phần ba chiều rộng, trong khi đây là tuyến chính của thành phố nối liền từ Xa lộ Hà Nội đi qua các quận Bình Thạnh - quận 3 - quận 10. Bên cạnh đó, từ ngày 3/4, đường Phan Đình Phùng đoạn từ Cầu Kiệu đến Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) cũng cấm tất cả phương tiện.

Anh Đào Quang Minh, nhà trong hẻm đường Điện Biên Phủ nói: "Tôi không biết đi vào nhà bằng lối nào, công trình chiếm hết đường đi chỉ còn chừa đoạn nhỏ. Nếu là phụ nữ chắc không vào nhà vì chạy qua khu vực quá nguy hiểm này". 

Các nút giao lớn cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của "cơn lốc" đào đường như đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, vòng xoay ngã Bảy, đường Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ...

Kẹt xe tại ngã 6 Dân Chủ. Ảnh chụp trưa ngày 2/4. Bảo Quân

Theo ghi nhận của VnExpress, hầu hết công trình đang đào đường đều phục vụ dự án chống ngập của thành phố. Cụ thể Dự án Vệ sinh môi trường qua địa bàn các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh nhằm xây dựng tuyến cống bao thoát nước thu gom nước thải từ các nhà dân. Công trình thoát nước rạch Hàng Bàng đang thi công trên quận 5, 6 , 8 cũng chưa có thời hạn hoàn thành. Ngoài ra, theo kế hoạch, năm nay thành phố có trên 100 tuyến đường bị "xẻ thịt".

"Đào đường để chống ngập là cần thiết trong thời điểm hiện tại. Thành phố phải chấp nhận sống chung với ùn tắc để thực hiện các công trình hạ tầng tốt hơn", ông Đậu An Phúc, Phó phòng Quản lý giao thông Sở Giao thông công chính nhấn mạnh về việc triển khai hàng loạt các dự án.

Theo nhiều chuyên gia, TP HCM ngày càng có nhiều toà cao ốc, cộng thêm hiện tượng lún khiến áp lực đè nặng lên hệ thống cống tiêu thoát đã quá cũ kỹ. Do đó việc thay thế hệ thống mới là điều tất yếu nếu muốn cải thiện tình hình ngập lụt của đô thị trong tương lai.

Để đảm bảo giao thông đi đôi với việc đào đường, không ảnh hưởng tới người dân, ông Ngô Minh Châu, Phó giám đốc công an TP HCM đề xuất, trước khi thi công các chủ đầu tư công trình nên có phương án đảm bảo lưu thông cho khu vực. Thành phố cũng kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết nhanh các thủ tục, tạo điều kiện cho nhà thầu rút ngắn thời gian thi công.

 

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
5927
Số người truy cập:
4770264