Sẽ "khoanh vùng" ngân hàng yếu kém

Tại buổi tọa đàm “Cơ cấu lại nền kinh tế” tổ chức sáng 16-12 tại Hà Nội, ông Bình cho biết, đến tháng 3 năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề thanh khoản của các ngân hàng yếu kém. Các ngân hàng này sẽ bị “khoanh vùng” để không ảnh hưởng cả hệ thống.

Lộ trình 2015

Ông Bình nói: “Chúng tôi đã bắt đầu rồi và làm sẽ quyết liệt để đảm bảo chúng tôi sẽ đi nhanh, đúng hướng, có chuyển biến ngay trong năm 2012 này”.

Trong 2012, NHNN sẽ dứt điểm xử lý ngân hàng yếu kém, theo phương châm chung là không để tổ chức tín dụng đổ vỡ, đảm bảo lợi ích người dân.

Năm 2013 các ngân hàng tự nguyện sáp nhập để tăng quy mô, khả năng tồn tại và cạnh tranh để “tiến thêm một bước về chất”.

Đến giai đoạn 2014 – 2015, thống đốc nhận định sẽ có 1 - 2 ngân hàng có vốn khoảng 50 tỉ đô la Mỹ để đạt tầm cỡ khu vực.

Thống đốc thừa nhận, mục tiêu này là khó khi ngân hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ có tài sản 25 tỉ đô la Mỹ.

Ông cho biết, dự kiến 12-15 ngân hàng sẽ chiếm 80% thị phần, số còn lại thuộc về các ngân hàng quy mô nhỏ hoạt động theo quy chế riêng và phân khúc riêng.

Thống đốc nói: “Còn hệ thống ngân hàng Việt Nam còn bao nhiêu đơn vị, tôi không thể nói được”. Ông nói: “Cách làm là sẽ sử dụng nội lực là chính, lá lành đùm lá rách, ngân hàng khỏe phải cứu ngân hàng yếu”.

Theo ông Bình, NHNN sẽ nhanh chóng nâng cao hoạt động của các các công ty mua bán nợ thuộc các tổ chức tín dụng để các công ty này cùng Chính phủ xử lý những nợ xấu của các ngân hàng. Những công ty này sẽ được NHNN giao mua lại những tài sản thế chấp để trả lại vốn cho ngân hàng trên nền tảng vốn trái phiếu chính phủ.

Theo thời gian, số tài sản này sẽ được phát triển rồi bán đi để trả lại vốn cho Chính phủ. Ông tự tin: “Theo thời gian, tài sản thế chấp đó sẽ được bán đi, tức là về tổng thể Chính phủ không mất gì. Về lâu dài chi phí nhà nước giảm thiểu tối đa”.

Sẽ "khoanh vùng" ngân hàng yếu kém, Tài chính - Bất động sản, ngan hang, lai suat, thanh khoan, tin dung, tai chinh, bao

Đến giai đoạn 2014 – 2015, thống đốc nhận định sẽ có 1 - 2 ngân hàng có vốn khoảng 50 tỉ đô la Mỹ để đạt tầm cỡ khu vực. (Ảnh minh họa).

Khó khăn chồng chất

Ông nói: “Có tổ chức tín dụng yếu kém thì phải xử lý ngay vì để lâu 'ô nhiễm môi trường', làm cho cả nền kinh tế chỉ vì ông ấy mà luôn ở môi trường không lành mạnh”. Tuy nhiên, Thống đốc bổ sung thêm: “Tái cấu trúc ngân hàng trong đặc thù Việt Nam thì không được để mất an toàn, không thể đổ vỡ. Một ngân hàng mà đổ vỡ thì ảnh hưởng ngay an ninh xã hội. Tức là “Đánh chuột không vỡ bình”. Thế mới khó”.

Theo Thống đốc, dư nợ của hệ thống ngân hàng bằng 116% GDP, tổng tài sản bằng 244% GDP, tức là bằng khoảng 2,5 lần.

Thống đốc nói rằng ông ý thức được tái cấu trúc ngân hàng thương mại là khó khăn hơn cả so với tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Lý do là hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh giờ chỉ còn nắm giữ 48% thị phần, 52% còn lại thuộc về ngân hàng thương mại tư nhân.

Thống đốc nói: “Tái cấu trúc đầu tư công, và DNNN vẫn là tái (cấu trúc) với nhau chứ tôi mới là kinh khủng. Một bên là Nhà nước, một bên là thị trường, là nhóm lợi ích nó mới khó. Chúng tôi thích chưa chắc đã đủ. Bây giờ thấy lực lượng kinh tế tư nhân rất lớn. Vậy cái không phải của mình đòi hỏi phải tái (cơ cấu) là vô cùng khó khăn phức tạp”.

Ông bổ sung thêm là trên thế giới các nước không tái cấu trúc DNNN, và đầu tư công. Thay vào đó, họ tái cơ cấu hệ thống tài chính, đặc biệt là ngân hàng vì đây là kênh cấp vốn cho nền kinh tế. “Họ tái cơ cấu ngân hàng trước thì đương nhiên đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi quản trị mới cho vay, buộc doanh nghiệp phải thực hiện”.

Ông nói, DNNN chỉ chiếm 16% dư nợ ngân hàng và ngân sách nhà nước so đầu tư bằng tín dụng ngân hàng còn rất nhỏ bé.

“Nếu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công thì sẽ thay đổi diện mạo nền kinh tế”, ông khẳng định.

Tại hội thảo, một số chuyên gia có cơ hội phát biểu hi vọng rằng, chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ được tiến hành liên tục và kiên định trong thập kỷ tới, cho dù Thống đốc Bình có kết thúc nhiệm kỳ của mình vào 2015.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
19491
Số người truy cập:
11693572