Rút ra bài học gì từ sự cố hạt nhân Nhật Bản

Tại cuộc họp báo khẩn của Bộ Khoa học Công nghệ hôm qua, sau khi Nhật xảy ra sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, nói: ""Chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nên cần theo dõi sát thông tin từ Nhật và quốc tế, để có định hướng đúng đắn cho phát triển điện nguyên tử ở Việt Nam".

Cuộc họp khẩn của Bộ Khoa học Công nghệ, đề cập an toàn hạt nhân. Ảnh: Hương Thu.

Ông Tấn cho biết, bài học quan trọng từ Nhật là cách tổ chức rất bài bản trong việc ứng cứu và di dân sau động đất. Tuy nhiên khi ở lò số 4 có nổ không hiểu tại sao Nhật không tổ chức khắc phục, mà họ chỉ tập trung vào 3 lò nổ trước đó. "Đây là bài học để Việt Nam áp dụng trong xây dựng kịch bản ứng phó sự cố, hình thành hệ thống thông tin kịp thời người dân trong phòng chống như thế nào", ông Tấn nói.

Cũng theo ông Tấn, lò của Nhật Bản được xây dựng từ những năm 1970, thế hệ lò này hoạt động chưa sử dụng nguyên tắc an toàn thụ động, tức là vẫn cần sự can thiệp của con người. Việt Nam đã xác định chọn thế hệ lò dựa trên nguyên lý an toàn thụ động.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Lương, phó cục trưởng cục an toàn bức xạ hạt nhân, mọt bài học quý nữa được rút ra từ sự cố hạt nhân Nhật Bản. Đó là sự phối hợp chặt chẽ của các cấp trong việc ứng phó với các tình huống nguy hiểm.

"Việt Nam cũng cần xây dựng hệ thống ứng phó khẩn cấp, trong đó có trung tâm hỗ trợ ứng phó sự cố cấp quốc gia và tại các địa phương", ông Lương nói.

Cục trưởng cục an toàn bức xạ hạt nhân, tiến sĩ Ngô Đặng Nhân, cho rằng Việt Nam không nằm trong khu vực có nguy cơ động đất cao như Nhật Bản, nhưng cần đề phòng và tính toán khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân để có độ an toàn cao hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần đào tạo đội ngũ chuyên gia; xây dựng hệ thống quy phạm, văn bản pháp luật nghiêm ngặt.

Liên quan đến công tác chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, các đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đều khẳng định, sự cố hạt nhân của Nhật Bản không ảnh hưởng mong muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước ta.

Ông Tấn cho biết, trong giai đoạn 2 của quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, phía Nhật Bản đang chào hàng công nghệ ở thế hệ thứ ba, đây là thế hệ lò phản ứng hiện đại. Đến nay, các bên đang đàm phán hiệp định khung, khi nào ký hợp đồng mới chọn thế hệ lò cụ thể cho Việt Nam.

Ảnh: Sơn Minh
Bảng quy hoạch hai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được dựng lên ở xã Phước Dinh và Vĩnh Hải. Ảnh: Sơn Ninh.

Ngoài ra, Bộ Khoa học Công nghệ đang xây dựng thông tư liên quan tới nhà máy điện hạt nhân. Thông tư này nêu cụ thể các tiêu chí để xây dựng, quản lý, lựa chọn địa điểm và xin ý kiến các bộ ngành, từ đó đặt ra các yêu cầu cho nhà thiết kế. Các tiêu chí này có tính đến ảnh hưởng của các hiện tượng thiên nhiên như động đất, sóng thần, núi lửa.

Dự án điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam dự kiến đặt tại tỉnh Ninh Thuận, gồm hai nhà máy có tổng công suất 4.000 MW. Theo kế hoạch sẽ khởi công nhà máy I năm 2014 và bắt đầu phát điện năm 2010. Quốc hội Việt Nam đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Hương Thu


Giày Đại Phát solution
Số người online:
8858
Số người truy cập:
9172644