Rùa hồ Gươm sẽ được khám sức khỏe định kỳ

Sau khi Rùa hồ Gươm thả về môi trường tự nhiên. Các nhà khoa học lo ngại về vết thương trên thân Rùa. Ảnh: Vũ Long

Hội nghị Tổng kết bảo vệ Rùa hồ Gươm hôm qua, ông Lê Xuân Rao, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã báo cáo tóm tắt quá trình đưa Rùa hồ Gươm lên chăm sóc và thả rùa về môi trường tự nhiên, và thông báo các thông số về Rùa như kích thước, cân nặng, giống loài.

“Có tới 70% khối lượng công việc bảo vệ Rùa hồ Gươm được hoàn thành. Trong thời gian tới, các đơn vị sẽ tiếp tục nạo vét Rùa hồ Gươm, cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm thức ăn cho rùa”, ông Rao nói.

Tại hội nghị, nhà khoa học đánh giá, việc chữa trị cho cụ Rùa hoàn thành là nỗ lực chung của các ban ngành, các nhà khoa học và doanh nghiệp, nhất là có sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội. “Đây là lần đầu tiên Việt Nam làm công việc lai dắt rùa và đã thành công”, giáo sư Mai Đình Yên, Phó chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, theo đề xuất của các nhà khoa học, cần tiếp tục theo dõi sức khỏe cụ Rùa. “Trước đây, khi thả Rùa xuống không thấy Rùa nổi, tôi nghĩ sức khỏe Rùa đang rất tốt. Nhưng nhiều bức ảnh mới chụp tháng gần đây cho thấy vết thương trên thân của Rùa”, ông Yên nói và đề nghị kiểm tra lại sức khỏe của Rùa hồ Gươm.

Đồng tình quan điểm trên, giáo sư Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội động vật học Việt Nam cho rằng, các chuyên gia nên lên kế hoạch khám và chữa trị cho cụ Rùa, kiểm tra các vết thương xem bình phục đến đâu, có cần điều trị thêm hay không.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: “Chăm sóc sức khỏe cho Rùa hồ Gươm là việc làm quan trọng trong thời gian tới. Nếu có điều kiện, các chuyên gia gia sẽ khám lại sức khỏe cho Rùa vào trước dịp Tết nguyên đán, sau đó, sẽ tiếp tục khám định kỳ sau vài tháng một”.

Tuy nhiên, giáo sư Huỳnh cho rằng, việc đưa cụ Rùa khám lại cần thận trọng, chúng ta đã từng hai lần tổ chức quây bắt mới thành công, trong đó rất nhiều lực lượng được huy động.

“Với trình độ kỹ thuật hiện nay, không cần đưa Rùa lên, mà nên dùng camera, cho người lặn xuống để theo dõi với yêu cầu nước hồ phải sạch. Biển sâu hàng nghìn mét, nhưng các thợ lặn vẫn lặn xuống để xem các loài động vật thủy sinh”, tiến sĩ Huỳnh cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, người có gần 20 năm nuôi rùa nói thêm: “Các cơ quan nên cải tạo tháp Rùa để thức ăn trên bãi cát, theo tập tính, Rùa sẽ bò lên đó, tạo thuận lợi cho việc dễ quan sát và kiểm tra sức khỏe cho cụ Rùa”.

Xung quanh việc tìm hậu huệ cho cụ Rùa, các chuyên gia đề xuất, cần tìm kiếm các cá thể cùng loài ở các khu vựcsông Hồng, đồng bằng Bắc Bộ, sông Mekong. Việc bảo vệ rùa Đồng Mô cũng là cần thiết vì cá thể này có thể cùng loài với rùa Hoàn Kiếm.

Hương Thu


Giày Đại Phát solution
Số người online:
16546
Số người truy cập:
9183547