Rau quả xuất sang Trung Quốc giảm mạnh

 Chia sẻ tại diễn đàn kết nối nông sản ngày 8/6, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc 4 tháng chỉ đạt 625 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ 2021.

Theo ông Tùng, Trung Quốc ngày càng siết chặt việc kiểm soát đối với sản phẩm nhập khẩu bằng cách tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thời gian đàm phán với các sản phẩm xuất khẩu cũng kéo dài vì các chuyên gia nước này không thể sang kiểm tra vùng trồng ở Việt Nam do ảnh hưởng Covid-19.

Vựa thu gom mít tại Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tài.

Trung Quốc cũng đang tăng cường các biện pháp kiểm dịch, làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu. Ông cho biết tình hình xuất khẩu rau quả tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh hiễn vẫn rất khó khăn. Đến ngày 23/5, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại Lạng Sơn là 815 xe, trong đó lượng xe chở hoa quả 284 xe (chiếm khoảng 35% tổng lượng xe chờ xuất khẩu). Tại Quảng Ninh, đến ngày 19/5, tổng lượng xe chờ thông quan là 287 xe.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào sản xuất cây ăn trái, như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng tác động đến năng suất, chất lượng trái cây. Việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng gặp khó khăn vì còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu. Năng lực chế biến trái cây trong nước hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nếu gặp điều kiện bất lợi khi xuất khẩu thì việc tiêu thụ vô cùng khó khăn...

Trước những bất cập trên, ông Tùng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cơ cấu lại sản xuất, chế biến nông sản. Bộ cần có hướng dẫn xây dựng hệ thống cung ứng nông sản theo chuỗi dựa trên các nền tảng logistic hiện đại.

Ngoài ra, Bộ cần hoàn thiện các chính sách về sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng và phát triển thị trường nông sản hài hòa với các cam kết quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài và mở cửa thị trường.

Các địa phương cũng cần đẩy mạnh liên kết, tạo dựng nền công nghiệp chế biến nông sản gắn sản xuất và thị trường đồng bộ.

Thi Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11493
Số người truy cập:
4774916