Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Mộc Lan cho biết trong các loại rau củ chỉ có khoai tây mọc mầm là độc. Khoai tây mọc mầm sinh ra chất solanine, là chất rất độc. Solanine ăn mòn dạ dày, còn gây tán huyết và tê liệt trung khu thần kinh. Các cách chế biến bình thường không thể phá hủy được chất độc này, kể cả cắt bỏ những chỗ xanh xung quanh mầm khoai tây cũng không chắc đã hết độc tố.
Người ăn mầm khoai tây sẽ có triệu chứng khô rát họng, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng tiêu chảy, viêm dạ dày cấp... Nghiêm trọng thì sẽ bị sốt, khó thở, co giật... Nếu gặp phải tình trạng trên, phải kịp thời đến bệnh viện cấp cứu để tránh nguy hiểm tính mạng.
Ảnh: Medikoe |
“Một số thực phẩm khác như khoai lang, gừng khi mọc mầm lại không độc mà chỉ độc nếu bị nấm mốc”, bà Mộc Lan nói. Khoai lang bị nấm mốc sẽ sinh ra chất ipomeamarone là một độc tố khiến khoai có vị đắng. Gừng bị nấm mốc sinh ra độc tố safrole, một chất độc thuộc nhóm có thể gây ung thư 2B, làm thoái hóa tế bào gan, hoại tử, thậm chí dẫn đến ung thư gan.
"Tốt nhất khi khoai lang hay gừng có dấu hiệu hư hỏng, không nên sử dụng", chuyên gia khuyên.
Các loại củ sử dụng làm gia vị như tỏi, hành khô... khoa học đã chứng minh khi mọc mầm không gây độc tố. Tỏi mọc mầm có nghĩa đang bị già đi chứ không phải hỏng, hoàn toàn có thể sử dụng để nấu ăn. Giống như gạo, đậu và các loại hạt, tỏi tăng chất lượng dinh dưỡng theo tuổi.
Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm của Hội Hóa học Mỹ, tỏi mọc mầm 5 ngày có hoạt tính chống ôxy hóa tốt cho tim hơn tỏi tươi. "Tỏi mọc mầm sản sinh các hóa chất thực vật, có thể hạn chế sự lây lan của một số loại ung thư nhất định", bà Lan cho biết.
Đậu tương cũng vậy. Giá trị dinh dưỡng từ đậu tương rất cao. Đậu tương mọc mầm thì dinh dưỡng càng tăng lên. Các nghiên cứu đã chứng minh đậu tương mọc mầm thì hàm lượng chất béo và đường sẽ giảm còn protein, isoflavones, vitamin C và các chất dinh dưỡng có lợi khác lại tăng. Hơn nữa, mầm đậu tương thơm ngon, thanh mát, phù hợp với những người tiêu hóa kém.
Thúy Quỳnh