Quốc hội bàn Chương trình phát triển văn hóa trị giá 256.000 tỷ đồng

 Theo tờ trình, nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng. Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát gồm hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa; huy động sự tham gia của xã hội vào quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản.

Chương trình cũng hướng đến đưa văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân; xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao; phát huy tính dân tộc, khoa học và đại chúng, hội nhập quốc tế và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Media Quốc hội

Chính phủ định hướng đến năm 2030, 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ Trung tâm Văn hóa Thể thao, Bảo tàng, Thư viện. Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước. Mỗi năm, ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Đến năm 2035, ngành công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp 8% vào GDP của cả nước. 100% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Khi Chương trình được thông qua, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng khung chính sách và chuẩn bị đầu tư trong năm 2025. Giai đoạn 2026-2030, các cơ quan sẽ giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra. Giai đoạn thứ 2031-2035, văn hóa sẽ trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị Chính phủ xem xét tính phù hợp của một số mục tiêu cụ thể, trong đó có đến năm 2030, 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ủy ban cũng đánh giá mục tiêu đến năm 2030 có 100% học sinh, học viên, sinh viên được tiếp cận, tham gia giáo dục nghệ thuật, di sản văn hóa là khó khả thi. Nguyên nhân là ở vùng sâu, biên giới, hải đảo, nhiều học sinh còn phải học ở các điểm trường, khả năng tiếp cận, tham gia nghệ thuật rất khó khăn.

Qua lấy ý kiến, một số đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có.

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 vào ngày 26/11.

Cũng trong hôm nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Sơn Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
14987
Số người truy cập:
8534426