Việc bắt giữ diễn ra tại khu vực chợ Bình Tây và một kho hàng ở đường Lý Chiêu Hoàng (Q.6, TP.HCM). Số hàng sẽ được “phù phép” thành hàng mới để tung ra trong dịp tết này...
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng bột ngọt không ghi hạn sử dụng - Ảnh: B.Hoàn |
Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra và niêm phong nho khô Trung Quốc đã hết hạn sử dụng tại kho hàng 45F cư xá Phú Lâm, đường Lý Chiêu Hoàng, Q.6, TP.HCM (ảnh chụp lúc 22g ngày 19-1) - Ảnh: Bạch Hoàn |
Đáng chú ý đây không phải là trường hợp cá biệt, khi khảo sát trên thị trường TP.HCM cho thấy rất nhiều mặt hàng như: nho khô, long nhãn, nấm mèo, nấm tuyết, nấm đông cô, các loại kẹo dẻo, sôcôla... được bày bán không có thông tin xuất xứ và hạn sử dụng.
Long nhãn nằm trên ổ gián!
Phát hiện thực phẩm, dầu ăn có chứa độc tố Chiều 20-1, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra việc niêm yết giá và an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã lập biên bản và yêu cầu tiêu hủy tại chỗ hơn 100kg thực phẩm có chứa độc tố. Ông Nguyễn Thành Danh, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương, cho hay: “Đoàn đã tiến hành thử nhanh các mẫu thực phẩm và phát hiện hơn 10 mẫu nhiễm độc tố như chả nem, mì sợi, trái cây...”. Đoàn cũng phát hiện khoảng 15kg dầu ăn có chứa độc tố. Đây là số dầu ăn công nghiệp đã qua sử dụng của một số cơ sở bán lại cho các điểm kinh doanh nhỏ lẻ. Anh Thoa |
Chứng kiến cảnh đoàn kiểm tra bốc dỡ từng bao, từng thùng các mặt hàng nói trên ra khỏi kệ mới thấy hàng hóa chất lượng kém, mất vệ sinh đến kinh hoàng! Từng thùng hàng được chất chồng lên nhau đến nỗi các thùng móp lại do sức nặng và nước trong các bọc long nhãn, nho khô rỉ ra. Khi cán bộ kiểm tra dỡ đến hai thùng cuối cùng nằm dưới sàn nhà thì hàng chục con gián túa ra, bò lổm ngổm khắp nơi. Mặc dù long nhãn được chứa trong các túi nilông, để trong thùng cactông, rồi thêm một lớp bao tải bên ngoài nhưng do để quá lâu, bị ẩm ướt nên cả ba lớp bao bì đều bị rách, nước rỉ ra bên ngoài có màu đen đặc, lớp nhớp dưới sàn nhà. Những nơi bao bì bị rách, long nhãn đã mềm nhũn, chuyển sang màu đen, thay vì đậm như màu mật ong. Một số thùng và bao tải chứa nho khô cũng bị mục ruỗng, rách tơi tả...
Trước khi kiểm tra tại kho hàng nói trên, Đội quản lý thị trường 5A đã kiểm tra tại sạp số 80 Trần Bình (bên hông chợ Bình Tây, Q.6) phát hiện số lượng lớn mặt hàng nói trên đã hết hạn sử dụng, bột ngọt Trung Quốc ghi hạn sử dụng ba năm kể từ ngày sản xuất nhưng bao bì lại không ghi ngày sản xuất.
Theo thống kê sơ bộ, lượng hàng bán tại chợ cũng của bà Nguyễn Thị Thắm hiện đang bị cơ quan chức năng tạm giữ gồm: 1 tấn bột ngọt, 40kg kẹo Jurui do Trung Quốc sản xuất không ghi hạn sử dụng, 40kg đường hóa học hiệu Tangjing, 100kg kẹo đã hết hạn sử dụng. Trong khi đó, tại nơi chứa hàng trên đường Lý Chiêu Hoàng, cơ quan chức năng tạm giữ trên 4,4 tấn kẹo quá hạn sử dụng, 565kg long nhãn, trên 1,2 tấn nho đen khô, 1,25 tấn bột ngọt không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng... Ngoài ra còn có loại bột ngọt đóng trong bao nhỏ đã hết hạn sử dụng từ ngày 23-6-2008, đường hóa học, hạt điều... cũng hết hạn sử dụng.
Hàng cũ thành hàng “mới”
Ông Nguyễn Văn Bách, đội trưởng Đội quản lý thị trường 5A, cho biết không những hàng hóa bảo quản trong tình trạng mất vệ sinh, tại thời điểm kiểm tra còn phát hiện cơ sở này mua bao bì nilông mới về, cắt bỏ bao bì các loại kẹo xuất xứ Trung Quốc đã hết hạn sử dụng từ tháng 11-2010 để sang bao bì mới. Mục đích của cơ sở này nhằm giấu nhẹm xuất xứ hàng Trung Quốc, hàng hết hạn sử dụng! Các mặt hàng nho khô, long nhãn cũng hết hạn sử dụng nhưng thông tin này chỉ thể hiện trên thùng giấy. Khi đưa ra bán, hàng hóa lại trở về bình thường vì các bọc nilông chứa hàng bên trong không ghi những thông tin này. Hiện lực lượng quản lý thị trường đang tạm giữ 120kg kẹo hết hạn sử dụng từ tháng 11-2010 nhưng được sang bao bì mới và 7kg bao bì đã cắt để thay thế. Chưa kể cũng qua vụ bắt giữ này cho thấy nho khô đen (thường được tiểu thương các chợ quảng cáo là nho đen Mỹ) cũng có hàng về từ Trung Quốc.
Trước vụ bắt giữ này, Đội 5A đã bắt giữ khoảng 1,3 tấn nấm đông cô, nấm mèo và hạt dẻ nguồn gốc Trung Quốc tại một doanh nghiệp ở Q.Bình Tân. Toàn bộ lô hàng này không có hóa đơn chứng từ và khi hàng đưa ra bán lẻ cũng không có nhãn rõ ràng về xuất xứ và hạn dùng. Tình trạng phù phép hạn dùng và xuất xứ hàng hóa đang diễn ra phổ biến ở các mặt hàng mứt tết, trái cây sấy khô, đường, bột ngọt, các loại nấm nhập khẩu từ Trung Quốc. Tại chợ Bình Tây, chợ An Đông (Q.5)... các mặt hàng nói trên được bày bán thành hàng xá, để trong những thùng lớn không ghi xuất xứ, hạn dùng. Khi về chợ bán lẻ hàng vẫn trong tình trạng “ba không”: không nhà sản xuất, không thông tin xuất xứ và không hạn sử dụng.
Thậm chí nhiều cơ sở nhập hàng xá từ Trung Quốc, sau đó chỉ thực hiện đóng gói nhưng lại ghi trên bao bì “sản xuất tại VN” và ngày đóng gói được ghi là ngày sản xuất. Nấm đông cô, nấm tuyết cũng thường được sử dụng chiêu này, như trường hợp của cơ sở PL (địa chỉ trên bao bì ở đường Trường Chinh, Q.12).
Nên mua hàng tại siêu thị?
Dịp tết là thời điểm nhu cầu tiêu thụ các loại nấm, mứt tết, trái cây sấy khô... rất lớn. Do đó, mua hàng tại đâu để đảm bảo an toàn đang là mối băn khoăn của nhiều người. Các siêu thị đang là lựa chọn của những bà nội trợ kỹ tính.
Tại hệ thống siêu thị Big C, bà Dương Quỳnh Trang, phụ trách đối ngoại, cho biết hiện nay các loại nho khô được Big C nhập trực tiếp từ Mỹ hoặc mua từ các cơ sở trong nước. Nấm mèo, nấm tuyết cũng mua từ các cơ sở trong nước. “Chúng tôi đều có hồ sơ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt” - bà Trang khẳng định. Cũng theo bà Trang, riêng các sản phẩm phải mua dưới dạng hàng xá, chẳng hạn như nấm mèo, nấm tuyết, Big C cũng yêu cầu nhà cung cấp trong nước phải có đủ hồ sơ đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm mới lấy hàng.
Tương tự, phòng kinh doanh hệ thống siêu thị Co.opMart cho biết các sản phẩm nho khô, long nhãn, nấm tuyết, nấm mèo đang bày bán tại siêu thị là của Công ty TNHH một thành viên Xuân Hồng (Q.11, TP.HCM). Theo bà Bùi Thị Minh Thu, đại diện Công ty Xuân Hồng, nấm mèo, nấm tuyết được Xuân Hồng mua từ Công ty TNHH thương mại Dona (Củ Chi) và Minh Tiền (Q.6) dưới dạng 10kg/bao, sau đó về đóng gói thành từng bịch nhỏ với nhiều trọng lượng khác nhau. Bà Thu cho biết toàn bộ sản phẩm của bà mua từ các cơ sở, hoặc sau khi đóng gói dưới thương hiệu Xuân Hồng đều được đăng ký tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, và doanh nghiệp tự công bố chất lượng trên sản phẩm kinh doanh của mình theo đúng quy định. Trong khi đó, nhãn hàng riêng của Co.opMart là nho khô, nhập khẩu từ Mỹ và được khẳng định đã có hồ sơ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đầy đủ.
Báo động vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm Cận tết, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm trong các sản phẩm gia súc, gia cầm lại diễn ra phổ biến. Chỉ 5-6 ngày qua, các đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã kiểm tra và phát hiện 156 vụ vi phạm về kiểm dịch gia cầm, tăng tới 45 vụ so với tuần trước. Trong đó có cả vi phạm trong bày bán, vận chuyển và giết mổ. Chưa kể có tới 52 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. |
BẠCH HOÀN - TRẦN VŨ NGHI